Phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam: Cơ hội nhìn từ giống

Adv thuysan247
Phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam: Cơ hội nhìn từ giống

Phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam: Cơ hội nhìn từ giống

thuysan247.com

Tuy nhiên điểm nghẽn lớn nhất của nghề này hiện nằm ở công nghệ sản xuất giống. Song với những dự án được mạnh tay đầu tư, cơ hội để phát triển loài này ở Việt Nam hoàn toàn có thật.

Tăng trưởng đáng chú ý

Hiện nay, ở Việt Nam có hai đối tượng cá nước lạnh được nuôi phổ biến là cá tầm và cá hồi. Ngoài ra, còn có đối tượng cá trắng hay còn gọi là cá hồi bạc (Coregonus lavaretus) do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA I) triển khai Dự án “Nhập công nghệ sản xuất giống cá trắng” năm 2013 - 2015.

Cá nước lạnh đã được di nhập vào nuôi ở Việt Nam từ năm 2004. Lào Cai là địa phương đầu tiên tiếp nhận trứng cá tầm, cá hồi do RIA I thực hiện. Đến nay, cá nước lạnh đã trở thành đối tượng nuôi khá phổ biến ở nhiều vùng, nhiều địa phương. Theo Tổng cục Thủy sản, đã có hơn 100 cơ sở tại 22 tỉnh, thành phố nuôi cá nước lạnh.

Hiện, ở nước ta có 6 loài cá tầm được nuôi phổ biến là cá tầm Siberi (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis) và cá tầm lai (giữa hai loài Acipenser ruthenus và Huso huso). Năm 2016, Tổng cục Thủy sản đã công nhận giống thủy sản mới đối với 4 loài gồm cá tầm Siberi, Nga, Sterlet và Beluga theo Quyết định số 304/QĐ-TCTS-NTTS ngày 19/5/2016. Đối với cá hồi, ở nước ta hiện chỉ nuôi cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss).

Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh thời gian qua. Nếu như năm 2007, tổng sản lượng chỉ đạt 95 tấn (cá tầm 75 tấn, cá hồi 20 tấn) thì đến năm 2013, sản lượng đã đạt 1.585 tấn (cá tầm 1.123 tấn, cá hồi 462 tấn). Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 - 2013 trung bình 68,75%/năm. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh sẽ đạt 700 ha và 900.000 m3 nuôi trong bể ở 4 vùng Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; trong đó, 40 - 50% diện tích nuôi theo hướng thâm canh. Sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 70 - 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước với giá cạnh tranh. Đồng thời, phấn đấu 100% con giống đưa vào sản xuất được kiểm tra chất lượng; 60 - 70% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh được sản xuất trong nước…

Giải bài toán về giống

Mặc dù nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam đã phát triển gần 10 năm, nhưng đến nay, việc sản xuất giống cá tầm vẫn chủ yếu dựa vào nguồn trứng cá thụ tinh nhập từ các quốc gia có nền công nghiệp nuôi cá tầm phát triển mạnh như Đức, Ukraine, Hungary, Trung Quốc…

Theo Cục Thú y, từ năm 2013 - 2015, số lượng trứng cá tầm, cá hồi thụ tinh và cá giống nhập khẩu trung bình là 2 triệu con/năm. Trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu phát triển nuôi cá nước lạnh tăng nên nhu cầu về con giống cũng không ngừng gia tăng, hiện khoảng 3 triệu con/năm và dự đoán đến năm 2020 sẽ là 6 triệu con/năm (trong đó cá tầm khoảng 4 triệu con). Nhìn chung, nguồn trứng cá nhập khẩu có chất lượng đảm bảo nhưng giá thành lại rất cao và thường bị động trong việc cung cấp. Điều này là trở ngại lớn đối với việc mở rộng và phát triển nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam.

Nhằm giải quyết những khó khăn về giống, giúp nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, năm 2016, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm”, giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (RIA III) là đơn vị chủ trì, thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2019 với các mục tiêu cụ thể như: Hoàn thiện ba quy trình công nghệ sản xuất giống ba loài cá tầm có giá trị kinh tế (cá tầm Nga, Siberi và Sterlet). Các chỉ tiêu của quy trình cần đạt: Tỷ lệ thành thục 50%, tỷ lệ đẻ 60%, tỷ lệ thụ tinh 70%, tỷ lệ nở 80%, tỷ lệ sống từ bột lên giống 60%; Sản xuất được 360.000 con giống cỡ 15 cm trong thời gian thực hiện Dự án cung cấp cho nuôi thương phẩm; Đào tạo 12 cán bộ kỹ thuật có chuyên môn sâu, thành thạo về công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm; Xây dựng 6 mô hình trình diễn tại khu vực miền Bắc và miền Trung, mỗi khu vực trình diễn ba loài cá tầm đã hoàn thiện quy trình; Có 4 doanh nghiệp sản xuất được giống cá tầm thông qua mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ của Dự án.

>> Mục tiêu chung của Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất giống cá tầm” là chủ động hoàn toàn việc sản xuất giống ba loài cá tầm (cá tầm Nga, Siberia và Sterlet) nhằm giảm thiểu giống nhập khẩu. Đến năm 2020, sản xuất trong nước đáp ứng 50 - 60% nhu cầu con giống (tương ứng 4 triệu con), đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nuôi cá tầm thương phẩm tại Việt Nam.

Phương Ngọc

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết