Nuôi ghép cá hô và chạch lấu hiệu quả

Adv thuysan247
Mô hình từ nuôi cá ghép chạch và cá hô trong ao đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện. Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi hệ thống tạo ôxy cho nước phải liên tục.

Mô hình từ nuôi cá ghép chạch và cá hô trong ao đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện. Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi hệ thống tạo ôxy cho nước phải liên tục.

thuysan247.com

Chuẩn bị ao nuôi

Cá chạch lấu phân bố chủ yếu ở nước ngọt, kích thước có thể đạt tới 91 cm, pH thích hợp 6,5 – 7,5. Thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi sống như cá, giáp xác, giun, côn trùng sống đáy. Ao nuôi nên có diện tích khoảng 1.500 – 2.000 m2, mức nước trung bình khoảng 1,2 – 1,6 m. Ao nuôi được lắp đặt 1 giàn máy cung cấp ôxy Superlan có công suất 2HP (hoặc quạt ôxy), có cống cấp và cống thoát chủ động (tháo nước đáy). Ao được tẩy dọn, diệt tạp và nước được bơm qua lưới lọc (cỡ 1 mm) để lọc kỹ cá tạp. Sau khi cấp nước vào ao, bổ sung chế phẩm sinh học EM hoặc các chế phẩm dòng vi sinh Bacillus sp. để ổn định chất lượng nước.

Gièo nuôi cá chạch được bố trí khoảng 1/3 diện tích ao. Mỗi ao khoảng 10 – 20 gièo, mỗi gièo có kích thước 3×3 m, sâu 2 m, tất cả các gièo nuôi đều có giá thể như chà tre để cho cá trú ẩn.

Thả cá

Cá hô được thả với mật độ 15 con/100 m2 để tận dụng thức ăn thừa trong ao. Cá giống được thả vào chiều mát, sau khi thả bật máy quạt nước và chạy xuyên đêm để đảm bảo lượng ôxy cung cấp cho ao nuôi. Ngoài ra trong ao có thể thả thêm 1 số loài trai, ốc để lọc nước.

Sau 1 tháng thả cá hô giống, tiến hành thả cá chạch lấu trong gièo. Mỗi gièo 1.000 con, cỡ cá giống 200 – 250 con/kg (4 – 5 g/con), cá giống có chiều dài trên 10 cm.

Chăm sóc, quản lý và thu hoạch

Cá được nuôi trong thời gian 8 – 12 tháng. Cá chạch lấu trong gièo được cho ăn bằng cá tạp hay thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 26 – 40% protein, lượng thức ăn bằng 3 – 5% trọng lượng cá và được điều chỉnh theo sức khỏe cá và thay đổi thời tiết, vào ngày nắng nóng hoặc những ngày mưa lạnh, lượng thức ăn được giảm đi từ 1/3 – 1/2 lượng thức ăn so những ngày thời tiết bình thường. Cá chạch lấu được cho ăn 1 lần/ngày vào buổi trưa. Cá hô thì sử dụng thức ăn tự nhiên trong ao. Các yếu tố môi trường và dịch bệnh được thường xuyên theo dõi hàng ngày. Ao nuôi hoàn toàn không dùng thuốc sát trùng và kháng sinh. Trong quá trình nuôi, ao nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học 2 lần/tuần nhằm duy trì và ổn định chất lượng nước trong ao.

Các mô hình nuôi cá chạch lấu ở ĐBSCL cho kết quả tốt, cá nuôi sinh trưởng tốt, có tỷ lệ sống cao. Tỷ lệ sống của cá chạch lấu đạt trên 70% và cá hô đạt 90%. Cỡ cá thu hoạch tương đối đồng đều, cá chạch lấu đạt cỡ trên 350 g/con, cá hô đạt 1 kg/con. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) trung bình đạt 2,5. Cá được thu hoạch sau 12 tháng nuôi với kích cỡ và giá bán như Bảng 1.

Phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình

Hiệu quả kinh tế của các mô hình được tính toán sơ bộ dựa vào các chi phí về giống, thức ăn, công lao động, vật tư, năng lượng và giá cá bán trên thị trường tại thời điểm thu cá (Bảng 2).

Về chi phí, mô hình nuôi ghép này có chi phí về thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 48,3% tổng chi phí. Tuy nhiên, mô hình nuôi ghép không sử dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo tính bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tồn dư hóa chất và kháng sinh trong sản phẩm.

Theo tính toán, cá chạch được bán với giá 270.000 đồng/kg và cá hô là 60.000 đồng/kg, mô hình đạt lợi nhuận ròng gần 700 triệu đồng/vụ (12 tháng nuôi). Cá lớn nhanh, khỏe mạnh, mô hình tạo ra nhiều loại cá khác nhau trên cùng một diện tích mặt nước. Mô hình này cho tỷ suất lợi nhuận lên đến 108%; đây là một đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt khi thị trường nhiều loại nông sản rớt giá do không xuất khẩu được.

Nếu so sánh hiệu quả mô hình từ nuôi cá ghép chạch và cá hô trong ao với các mô hình nuôi khác như nuôi ghép rô phi và chép làm chính với các mô hình nuôi đơn khác như nuôi đơn rô phi, nuôi đơn cá nheo Mỹ… thì mô hình nuôi ghép này đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện. Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi hệ thống tạo ôxy cho nước phải liên tục và phải có hệ thống dự phòng khi mất điện, cần quản lý môi trường nuôi tốt và phù hợp với hộ nuôi có tiềm lực kinh tế để có thể đầu tư thời gian nuôi kéo dài (khoảng 8 – 12 tháng). Các hộ nuôi có nguồn vốn tốt có thể nuôi kéo dài hơn để thu cá với kích cỡ lớn hơn (400 – 450 g/con) để bán với giá cao hơn (350.000 đồng/kg).

Hà Nguyễn

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết