Hình minh họa
Nông dân Kiên Giang góp vốn giúp đỡ lẫn nhau nuôi cá lồng bè trên biển, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong nuôi trồng góp phần phát triển kinh tế, đồng thời phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển tại địa phương. Từ năm 2016, Hội Nông dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện mô hình “Vận động hội viên góp vốn trong nghề nuôi cá lồng bè”, đến nay mô hình mang lại hiệu quả khả quan.
Là một trong hai xã đảo của huyện Kiên Lương, Hòn Nghệ cách đất liền khoảng 8 hải lý, toàn xã có 2.648 khẩu. Người dân trên địa bàn sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, một số ít mua bán nhỏ và làm rẫy. Trong những năm qua do ngư trường ngày càng cạn kiệt, nên việc khai thác thủy, hải sản mang lại hiệu quả kinh tế không cao, người dân chuyển sang đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển, chi phí đầu tư ban đầu và cả vụ nuôi khá lớn, dẫn đến một số hộ nông dân không đủ nguồn vốn để đầu tư thả nuôi. Xuất phát từ tình hình trên, Hội Nông dân xã đảo Hòn Nghệ đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy và phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng mô hình vận động nông dân góp vốn trong nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Qua đó nhằm tuyên truyền, vận động những hộ nông dân có điều kiện, góp vốn hỗ trợ những hộ thiếu vốn đầu tư thả nuôi, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển sản xuất, với hình thức cùng chia lợi nhuận sau vụ thu hoạch.
Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ, cho biết, để người dân cùng chung tay tham gia thực hiện mô hình, Hội Nông dân xã tích cực vận động, tuyên truyền, nhất là về những lợi ích và quyền lợi được hưởng trong quá trình tham gia góp vốn phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Nhờ đó, số lượng người dân tham gia đầu tư mô hình ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2016, vận động được 4 hộ có điều kiện về vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng cho 8 hộ khác thả nuôi khoảng 25.000 con giống, thì đến năm 2018 đã có 8 hộ tự nguyện tham gia đầu tư, hỗ trợ vốn cho 23 hộ khác thả nuôi trên 135.000 con cá giống với số tiền trên 4,5 tỉ đồng.
Một số hộ được hỗ trợ về vốn để nuôi cá lồng bè trên biển đã mang lại hiệu quả thiết thực, như hộ của ông Quách Hải Thọ, năm 2016 nhận nuôi 3.000 con cá mú sao giống, cuối năm thu hoạch, trừ chi phí được chia lợi nhuận 120 triệu đồng. Trong các năm 2018, 2019 các hộ nhận nguồn vốn hỗ trợ nuôi cá đều có lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng. Vì vậy nhiều hộ được góp vốn đã thoát khỏi khó khăn, vươn lên khá giả, như hộ của ông Đinh Văn Lâm, Quách Hải Thọ, Nguyễn Minh Nhựt…
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Nông dân xã Hòn Nghệ còn kịp thời tranh thủ với Hội Nông dân huyện Kiên Lương xem xét, hỗ trợ vốn cho các hộ dân nuôi cá lồng bè được tiếp cận nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân” các cấp. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện đã giải ngân cho 46 hộ nuôi cá lồng bè với số tiền 1,38 tỉ đồng.
Từ hiệu quả của mô hình góp vốn nuôi cá lồng bè, nông dân có điều kiện cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng ngừa các loại dịch bệnh, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn nhất là về vốn, vận động những hộ có điều kiện góp vốn tạo điều kiện cho những hộ còn gặp khó, cùng nhau làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Theo Báo Cần Thơ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết