Nỗi buồn người nuôi cá tra

Adv thuysan247
Nghề nuôi cá tra xuất khẩu từng làm giàu cho nhiều hộ dân ở thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), nhưng hiện nay có không ít hộ đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì giá cá tra liên tục giảm.

Bà con nông dân thu hoạch cá tra

Nghề nuôi cá tra xuất khẩu từng làm giàu cho nhiều hộ dân ở thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), nhưng hiện nay có không ít hộ đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì giá cá tra liên tục giảm.

thuysan247.com

Sau cái bắt tay chào hỏi, anh Tám Phong (Nguyễn Tấn Phong), Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, cho biết thị trường cá tra năm nay biến động quá lớn, khiến người nuôi trở tay không kịp. Vào những tháng trước đây, cá tra tăng còn ở mức giá đảm bảo cho người nuôi có lãi, nhưng đa số bà con ở đây đều không được hưởng lợi nhiều từ đợt tăng giá này, vì không có cá để bán. Niềm vui ngắn, giá tăng chưa được bao lâu thì đã quay đầu giảm mạnh xuống còn 16.000-17.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất, khiến nhiều người nuôi bị lỗ nặng.

Dạo quanh một vòng ao cá tra đang trong thời kỳ quá lứa (hơn 1kg/con) của gia đình còn hàng trăm tấn chưa bán được, anh Tám Phong nói như than: “Từ lâu, nghề nuôi cá tra đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây để phát triển kinh tế gia đình. Lần nuôi cá này, việc lỗ lã đã khiến nhiều người khóc ròng bên ao cá”. Mặc dù giá cá tra đang xuống rất thấp, nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến cũng không mặn mà thu mua. Còn các DN không có vùng cá nguyên liệu, hay tiểu thương mua bán lẻ ở các chợ trong tỉnh hoặc một số chợ vùng lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu… thì chỉ thu mua cầm chừng với số lượng rất hạn chế. Riêng đối với các DN lớn, có vùng cá nguyên liệu ổn định thì hầu như đã “đóng băng”.

Thoáng chút đượm buồn trên khuôn mặt, chị Võ Thị Lệ Thúy, ngụ ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, người mà bà con nơi đây ai cũng biết gia đình chị đi đầu trong phong trào nuôi cá tra hàng chục năm qua chưa bao giờ nghĩ tới chuyện cá tra lại rơi vào tình cảnh không ai mua như hiện nay. Sau tiếng thở dài, chị nói với tôi: “Những năm trước, cho dù giá cá tra có bị sụt giảm, nhưng không đến nỗi thua lỗ nặng như vụ cá vừa rồi”. Chị Thúy cho biết chị vừa bán xong hầm cá tra hơn 155 tấn, với giá 18.700/kg, chỉ mới khấu trừ sơ bộ 2 khoản thức ăn cho cá và thuốc xử lý ao nuôi, chị đã lỗ hơn 700 triệu đồng. Mặc dù đã lỗ, nhưng tính ra chị còn may mắn hơn một số bà con khác trong xóm. Bởi lẽ, đến thời điểm này, nhiều hộ cá đã quá lứa trong ao mà chưa bán được, trong khi giá cá thương lái thu mua mỗi ngày một giảm. Thức ăn cho cá giá tăng cao, nếu kéo dài thời gian nuôi càng lỗ. Nhiều hộ vì không “gượng” nỗi với con cá tra đã treo ao, hoặc chuyển sang nuôi cá thát lát, cá rô, cá lóc…

Là người nổi tiếng mát tay nuôi con cá tra ở thành phố Ngã Bảy, với diện tích 1,6ha mặt nước nuôi cá tra của những năm về trước, nay anh Hai Long (Phan Văn Long), chủ trại cá giống Đức Tài, ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, lại phải bỏ nghề. Anh Hai Long cho hay: “Những năm trước đây, cho dù giá cá tra có sụt giảm nhưng người nuôi vẫn có lời hoặc huề vốn, do chi phí đầu tư con giống, giá thức ăn… đều ở mức thấp. Còn hiện nay, mọi thứ đều cao nên người nuôi cá tra khó tránh được rủi ro”.

Sau nhiều lần thua lỗ, anh Hai Long chuyển sang nghề ươm cá giống kiếm sống. Năm nào con cá tra có giá, người nuôi có lời, trại cá giống của anh luôn đông khách. Còn như năm nay, giá cá tra thịt liên tục bị sụt giảm, người mua vắng bóng, giá con giống cũng rớt thảm từ 60.000-70.000 đồng/kg, xuống còn 40.000-50.000 đồng/kg, nhưng cũng ít người mua. Tính ra từ năm ngoái đến nay, anh lỗ từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/đợt sản xuất cá tra giống. Anh Long cho rằng do giá cá tra xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn không cao nên giá thu mua cá nguyên liệu thấp, từ đó giá cá giống cũng rớt theo.

Nhiều hộ nuôi cá tra mà tôi đã gặp, hầu hết trong số họ đều có chung nhận định về những yếu kém, thiếu bền vững của chuỗi giá trị con cá tra, khi người nuôi chạy theo giá, quên bài học căn bản của mối quan hệ cung cầu đã được nhận diện nhiều năm qua. Thực tế là có nhiều giải pháp đã được thực thi từ tăng cường quản lý nhà nước, quy hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến, đến tiếp cận cho vay vốn ngân hàng theo chuỗi thành lập Hiệp hội cá tra… Nhưng xem ra người nuôi vẫn không có lãi, nguyên nhân sâu xa là do giá thành nuôi con cá tra đội cao, vì chi phí thức ăn hiện nay lên đến 80-90% so với giá bán nên người nuôi không lời. 

Nguồn: Theo Báo Hậu Giang
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết