Kiểu nuôi cá sáng tạo ở vùng cao Bắc Kạn

Adv thuysan247
Vét ruộng, đắp khe núi thành ao, nhất là việc thả thóc giống trồng lúa cho cá ăn tưởng là chuyện đùa, nhưng lại đang được nhiều người dân tỉnh Bắc Kạn áp dụng.

Nhiều hộ dân gieo thóc giống xuống ao để phát triển thành thức ăn cho cá

Vét ruộng, đắp khe núi thành ao, nhất là việc thả thóc giống trồng lúa cho cá ăn tưởng là chuyện đùa, nhưng lại đang được nhiều người dân tỉnh Bắc Kạn áp dụng.

thuysan247.com

 

Đến thôn Nà Đon, xã Thanh Vân, huyện Chợ Mới, đi theo những khe nước, khe suối nhỏ vào trong núi, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ với số lượng nhiều ao cá được hình thành ở đây. Vị trí nào có thể đắp được đập, ngăn được nước là người dân làm ao nuôi cá.

Có một điều lạ là, thời điểm này có nhiều ao chưa thả cá, mà người dân lại gieo thóc giống xuống những ao cá cạn nước. Thời điểm này, một số ao mức nước trung bình chỉ hơn 10cm, nên có thể thấy rõ những cây lúa xanh tốt, thậm chí là sắp trổ bông.

Anh Phùng Văn Lập, một người chuyên nuôi cá giải thích: Lúa mọc lên không phải để thu hoạch thóc, mà là lúa trưởng thành thì mới cho dâng nước lên và thả cá vào. Lúa, sâu sẽ là mồi cho cá trắm, ở đây người ta học nhau như vậy. Còn có người thì trồng trước các loại cây, cỏ nước, nhưng dễ và nhanh nhất là trồng lúa. Thời điểm vãi thóc xuống ao là từ đầu tháng 2 âm lịch trở đi khi thời tiết đã bớt lạnh.

Theo báo cáo của UBND xã Thanh Vận, là xã vùng cao nhưng diện tích dành cho việc chăn nuôi thủy sản của Thanh Vận lên đến 35ha. Trong đó có 33ha đã thả cá, hơn 2ha còn lại đang được cải tạo và mở rộng. Có thể thấy diện tích mặt nước ở địa phương này luôn tăng theo từng năm.

Trước đây, cả tỉnh Bắc Kạn chỉ có một trại cá giống của tỉnh nuôi ương cá giống, còn lại là nhập từ trại giống Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) lên. Nhưng hiện nay, do nhu cầu nuôi cá tăng cao, đã xuất hiện hàng loạt mô hình nuôi ương cá giống tư nhân. Nhiều nhất là ở xã Thanh Mai (huyện Chợ Mới) có tới 4 hộ nuôi ương cá giống để bán ra thị trường.

Ông Nông Văn Kỳ, một hộ nuôi ương cá giống chia sẻ: Năm trước gia đình đã dành ra hơn 2.000m2 để làm chỗ nuôi cá bột, sau đó cung cấp cá giống ra thị trường. Thấy có hiệu quả kinh tế và nhu cầu của người dân nuôi cá tăng cao nên đã có dự định mở rộng lên hơn 5.000m2 để tăng quy mô sản xuất.


Ngoài trại cá giống của tỉnh, đã xuất hiện thêm nhiều trại nuôi ương cá giống do người dân đầu tư. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có diện tích mặt nước ít, nên từ trước tới nay hầu như người dân chỉ là nuôi cá nhỏ lẻ nên không trở thành hàng hóa được. Chăn nuôi thủy sản chủ yếu tập trung ở các huyện như Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể.

Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi cá ao, cá hồ đạt hiệu quả cao ở xã Thanh Mai, Thanh Vận và Mai Lạp của huyện Chợ Mới; xã Quang Thuận, Nguyên Phúc, Quân Hà và Tân Tiến của huyện Bạch Thông; cùng nhiều mô hình nuôi cá lồng ở xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới), sông Năng (huyện Ba Bể) và một số xã khác trên địa bàn huyện Na Rỳ… đã đem lại thu nhập cho một số hộ lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, chăn nuôi thủy sản không phải là thế mạnh ở tỉnh vùng cao như Bắc Kạn, nhưng vẫn khuyến khích người dân có điều kiện thực hiện mở rộng phát triển lĩnh vực này. Bởi đây là một trong những nguồn thực phẩm bổ dưỡng thay thế cho thịt lợn đang gặp khó khăn trong việc tái đàn.

Nguồn: Theo Nông nghiệp Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết