Dưỡng ngư trên cao nguyên

Adv thuysan247
Thật bất ngờ khi ở cao nguyên có một trung tâm giống thủy sản lớn, bề dày lịch sử trên dưới 60 năm qua tại xã Bình Giáo, H.Chư Prông (Gia Lai).

Ông Phạm Hữu Phước kiểm tra đàn cá giống điêu hồng

Thật bất ngờ khi ở cao nguyên có một trung tâm giống thủy sản lớn, bề dày lịch sử trên dưới 60 năm qua tại xã Bình Giáo, H.Chư Prông (Gia Lai).

thuysan247.com

Đây là nơi tạo nguồn cá giống, cung cấp cá thương phẩm cho khu vực Tây nguyên cũng như một số tỉnh duyên hải miền Trung. Trung tâm vốn được xây dựng từ trước 1975, là một khu vực nuôi cá nước ngọt rộng hơn 10 ha với tên gọi Trung tâm dưỡng ngư. Lúc ấy, toàn Tây nguyên chỉ duy nhất có trung tâm này.

Theo thống kê, Gia Lai hiện có hơn 150 hồ chứa thủy lợi, thủy điện với khối lượng hơn 23 tỉ m3 nước ngọt. Đây là tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng các loại thủy sản. Định hướng của tỉnh Gia Lai, đến năm 2020, diện tích tham gia nuôi thủy sản là hơn 24.000 ha. Để phục vụ cho nhu cầu này, trung bình mỗi năm trung tâm trên đã cung cấp ra thị trường hàng triệu con cá giống.

“Chỉ riêng năm qua, chúng tôi cho sinh sản 120.000 cá trắm bột, 1,7 triệu cá chép bột, 30.000 cá giống rô phi, điêu hồng… phục vụ công tác ương nuôi. Hiện chúng tôi có đàn cá bố mẹ khoảng 3 tấn gồm các loại như trắm, chép, rô phi, điêu hồng, lăng nha đuôi đỏ. Từ năm 2014, chúng tôi nuôi thử nghiệm và đã cho sinh sản thành công cá koi Nhật Bản với hai dòng là Kohakư và Hikari. Hiện đã có một số đơn vị và cá nhân đặt mua. Chúng tôi cũng đang nuôi và cho sinh sản đối với giống cá chép ba máu V1 thuần chủng của Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc trong chương trình hợp tác sản xuất giống thủy sản”, ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm thủy sản Gia Lai, nói.

Ngoài sản xuất cá giống, cá thương phẩm, trung tâm còn tham gia, tham mưu với các cơ quan chức năng để phát triển những mô hình, mở rộng diện tích nuôi thủy sản. Đây cũng là giải pháp nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Gia Lai.

Tuy nhiên, trong thực tế trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn như nhân lực thiếu, kinh phí hoạt động hạn chế, chưa kể tình trạng người ngoài vào câu trộm cá, đặc biệt là cá bố mẹ, nhưng cơ quan chức năng không ngăn chặn triệt để. Ngoài ra, dù có tiềm năng phong phú để triển khai việc nuôi thủy sản song nhiều năm qua, hoạt động này tại Gia Lai vẫn chưa được chú trọng đúng mức từ hộ gia đình đến các đơn vị; nhiều diện tích mặt nước vẫn chưa được tận dụng để nuôi thủy sản; hoạt động nuôi cá lồng bè cũng chưa phát triển…

Nguồn: Theo Báo Thanh Niên
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết