Đàn cá Mát hồi sinh giữa đại ngàn xứ Nghệ

Adv thuysan247
Trước nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã xây dựng và triển khai đề án, quy chế để bảo tồn các giống cá quý hiếm.

Cá mát ở các dòng suối xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) ngày càng hồi sinh mạnh mẽ.

Trước nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã xây dựng và triển khai đề án, quy chế để bảo tồn các giống cá quý hiếm.

thuysan247.com

 Đàn cá Mát đang được hồi sinh mạnh mẽ, mang niềm vui đến với người dân địa phương.

Sản vật vùng biên hồi sinh mạnh mẽ

Xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm sát biên giới Việt – Lào, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú… sinh sống. Tam Hợp có hệ thống khe, suối dài hàng chục km, với nhiều loài cá như cá mát, cá lệch, cá lăng… có giá trị lớn. Tuy nhiên, do tình trạng đánh bắt quá mức, cùng việc sử dụng các loại kích điện để đánh bắt khiến những đàn cá mát dần bị cạn kiệt, có nguy cơ biến mất khỏi các dòng suối.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cuối năm 2018, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua Đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đề án quy định những phương tiện, ngư cụ được phép sử dụng khai thác thủy sản phải theo quy định. Nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác.

Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Tam Hợp sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu và xử phạt hành chính. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tất cả các khu vực trên đều được cắm biển báo cho người dân được biết.

Hệ thống camera được lắp đặt, giám sát, theo dõi chặt chẽ ở các khe suối.

Ông Lương Phi Thanh, Chủ tịch UBND Tam Hợp cho biết: ''Trước đây ngoài việc người dân trong xã khai thác qua mức làm cho nguồn cá cạn kiệt thì người ngoài địa phương cũng tràn vào địa bàn để bắt cá. Nhiều đêm đèn soi bắt cá nhiều như đom đóm, phương tiện đánh bắt đủ loại, lưới chài, bắt tay, thậm chí xung điện. Lúc đầu thực hiện đề án, nhận thức của nhiều người vẫn còn hạn chế, tư duy khai thác còn cao. Sau khi tuyên truyền, người dân dần thay đổi, ý thức bảo vệ cá mát ngày càng cao và lan tỏa trong cộng đồng.

Sau hơn 3 năm thực hiện đề án, hiện nay, người dân trên địa bàn đã tự giám sát và ngăn chặn những người ở địa phương đến đánh bắt cá. Đàn cá mát đã trở lên trên những dòng suối xanh mát.

Dọc suối, các đoạn có biển cấm đánh bắt, cá phát triển nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước khoảng 40 - 50 con. Không những cá mát mà các loại cá pộp, cá lăng, cá lệch cũng hồi sinh, chiếm lĩnh nhiều hang, ngách đá dọc bờ suối. Ngoài các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ cá mát, xã Tam Hợp cũng đã lắp đặt camera trên một số đoạn khe suối để theo dõi, giám sát thường xuyên''.

Khi những đàn cá Mát dần hồi sinh mạnh mẽ, chính quyền xã Tam Hợp dự tính sẽ xây dựng thành điểm du lịch sinh thái tại vị trí hợp lưu của hai con suối Chà Lạp và suối Cặt. Đây sẽ là một địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách để nghỉ mát, xem cá Mát tung tăng dưới suối mỗi khi có dịp đi qua mảnh đất này.

Các biển báo cấm đánh bắt cá được đặt ở các dòng suối, khu vực bảo tồn.

Còn tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương), từ năm 2020, địa phương cũng đã ban hành quy chế về việc quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi trên địa bàn; đồng thời thiết lập các bảo vệ ở khu vực khe suối tại bản Tùng Hương và Tân Hương.

Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, đối với các hộ dân trong địa bàn xã, nguồn lợi thủy sản là thuộc về toàn dân nhưng phải tuân thủ theo quy ước, hương ước của bản, quy định của UBND xã về khai thác, đánh bắt thủy sản, những trường hợp đánh bắt trái với quy ước, hương ước của bản và quy định của UBND xã như dùng kích điện, thuốc nổ,… sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và tịch thu dụng cụ.

Nếu tiến hành các hoạt động như chài, câu, xúc, thả lưới để bắt cá trong khu vực cấm sẽ bị xử phạt từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng lần 1; tái phạm lần 2 sẽ bị xử phạt 2.000.000 đồng. Ban quản lý các bản tổ chức giám sát, phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn một cách hiệu quả.

Chúng tôi rời Tam Hợp, Tam Quang, đi qua các khe suối, dưới dòng nước trong xanh, từng đàn cá mát như những con thoi lật mình cạp rêu đá ngửa bụng từng vệt trắng loang loáng. Đàn cá mát hồi sinh ngày càng mạnh mẽ, trở thành nơi vui chơi, giải trí cho người dân, thậm chí trở thành điểm du lịch cộng đồng rất hấp dẫn, thu hút đông đảo cá du khách vào các dịp lễ, Tết.

Đàn cá mát sinh trưởng, hồi sinh mạnh mẽ giữa đại ngàn xứ Nghệ.

Nhân rộng mô hình, gắn với du lịch sinh thái

Trao đổi với PV Infonet, ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương cho biết, cá mát là một giống quý đặc sản trên địa bàn huyện. Trước đây loài cá này có nhiều nhưng việc đánh bắt tràn lan đã làm đàn cá dần bị mai một.

Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các xã đã tổ chức họp dân để khoanh từng khúc sông, khe suối, cấm không đánh bắt các loại cá, nhất là cá mát. Cụ thể như xã Tam Hợp, hiện nay cá phát triển rất nhiều, hệ thống camera giám sát được triển khai rất hiệu quả. Từ xã Tam Hợp, các địa phương khác đã nhân rộng mô hình này ra như xã Tam Quang, Yên Thắng, Tam Đình, Tam Thái, Nga My, Yên Hòa…

Đây là một trong những hình thức cộng đồng quản lý, là phương thức quản lý nguồn lợi thủy sản rất tốt, gắn vào du lịch sinh thái. Thậm chí có những khe suối được gắn với du lịch sinh thái, du khách đến rất thích như các điểm ở Tam Quang, Khe Kiền và Tam Hợp.

Bảo tồn cá mát, gắn với du lịch cộng đồng ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương.

“Khi đàn cá mát phát triển lên, các ngày lễ, Ban quản lý các thôn bản được phép đánh bắt để chia lợi ích cho người dân, gắn với khai thác và quản lý. Hiện nay, cơ bản các xã đã có kế hoạch nhân rộng để bảo tồn giống cá quý hiếm này và được người dân đồng tình, hưởng ứng”, ông Kha cho biết thêm.

Việt Hòa

Nguồn: Theo CHUYÊN TRANG INFONET
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết