Cá tra hướng về thị trường nội địa

Adv thuysan247
Ngày 9/6 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra", mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020.

Sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đồng hành với các doanh nghiệp

Ngày 9/6 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra", mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020.

thuysan247.com

"Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương và các hiệp hội ngành hàng, các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu cá tra vào các thị trường truyền thống bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thời gian qua như: Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, ASEAN… và tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, phát triển thị trường tiềm năng như Nga, Braxin… Kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đồng hành của Bộ NN&PTNT với các doanh nghiệp để sớm vượt qua được những khó khăn, thách thức từ sự tác động của dịch Covid-19 ", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thị trường xuất khẩu

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, ngành hàng cá tra Việt Nam tự hào trở thành ngành kinh tế "tỷ đô" với việc xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Cùng với đó, cuối năm 2019, việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận chính thức hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ đã khằng định uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính; giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.

Tuy nhiên, ông Luân cho hay, dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó mặt hàng cá tra bị đình trệ.Trong 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đồng hành với các doanh nghiệp

Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn mặt hàng cá tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được, nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế; đặc biệt là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng.

Ông Luân đưa ra dự báo, từ quý III/2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng việc củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao…

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng nuôi dự kiến đạt 1,42 triệu tấn; diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha; giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt 2,4% thay vì như dự kiến ban đầu là 2,9%. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. OECD cũng cảnh báo nếu như dịch bệnh “kéo dài và diễn biến phức tạp hơn”, nhiều nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ

Chính vì vậy, để phấn đấu đạt kết quả cao nhất theo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi cá tra cần nỗ lực đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng con giống; trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn; tiếp tục phát tán đàn cá tra bố mẹ được nâng cao chất lượng di truyền cho các trại giống. Theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản. Tìm kiếm thị trường mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính và xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra

Nguồn: Theo Thời báo Kinh Doanh
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết