Bến Tre: Cú huých từ nuôi trồng thủy sản

Adv thuysan247
Với chiều dài bờ biển 65 km, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế NTTS trên cả 3 vùng: mặn, lợ, ngọt; với nhiều đối tượng nuôi có giá trị cao, như: nghêu, tôm nước lợ, cá tra, tôm càng xanh…

Với chiều dài bờ biển 65 km, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế NTTS trên cả 3 vùng: mặn, lợ, ngọt; với nhiều đối tượng nuôi có giá trị cao, như: nghêu, tôm nước lợ, cá tra, tôm càng xanh…

thuysan247.com

Sự phát triển của lĩnh vực này không chỉ góp phần nâng cao đời sống cư dân vùng ven biển, mà còn là cú huých thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung.

Chủ lực là tôm nước lợ

Trao đổi với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cả 3 vùng: mặn, lợ, ngọt, tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản ở Bến Tre là rất lớn. Các đối tượng thủy sản chủ lực được chọn phát triển hầu hết đều là loại có giá trị kinh tế cao và thích nghi tốt với môi trường cũng như hình thức thả nuôi. Ở vùng mặn thuộc bãi bồi ven biển, tỉnh tập trung phát triển nghề nuôi nghêu với diện tích mặt nước khoảng 9.600 ha và có thể phát triển lên 15.000 ha. Đối với vùng lợ, có 2 đối tượng nuôi chính là tôm sú và TTCT với diện tích khoảng 36.000 ha; trong đó có 12.000 ha nuôi thâm canh và 1.950 ha nuôi công nghệ cao. Còn vùng ngọt, tỉnh chọn con cá tra làm đối tượng nuôi chủ lực với diện tích khoảng 800 ha và tôm càng xanh là trên 2.000 ha. Tổng sản lượng NTTS hàng năm của tỉnh bình quân gần 300.000 tấn; trong đó có 71.000 tấn tôm nước lợ.

Nói về nghề nuôi tôm nước lợ, ông Buội cho biết, đây là đối tượng nuôi đang phát triển khá mạnh tại 3 huyện ven biển của tỉnh với nhiều mô hình nuôi: quảng canh, tôm – lúa, bán thâm canh, thâm canh và gần đây là nuôi công nghệ cao. Đối với mô hình quảng canh và tôm – lúa chủ yếu là tôm sú, năng suất bình quân 200 – 250 kg/ha, còn mô hình thâm canh đối với TTCT là 8 tấn/ha/vụ, tôm sú là 5,5 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn năng suất lên đến 180 tấn/ha mặt nước/năm hiện đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh. Ông Buội thông tin: “Đây là hướng đi chủ lực trong thời gian tới cho nghề nuôi tôm nước lợ của Bến Tre nhằm giảm thiểu rủi ro thiệt hại về dịch bệnh, thời tiết, môi trường; gia tăng năng suất, chất lượng và sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu phát triển diện tích nuôi tôm thẻ công nghệ cao lên 4.000 ha vào năm 2025”.

Thực trạng và định hướng NTTS tại Bến Tre. Nguồn: Sở NN&PTNT Bến Tre; Đồ họa: TSVN

Bên cạnh tôm nước lợ, với diện tích 15.000 ha bãi bồi ven biển, nông dân Bến Tre đã khai thác 9.600 ha để nuôi nghêu, tập trung tại ba huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; với tổng sản lượng nghêu (giống, thịt) hàng năm 27.000 tấn. Đây là một đối tượng nuôi rất hiệu quả vì ngoài chi phí con giống, công chăm sóc, thu hoạch, người nuôi không phải tốn chi phí thức ăn hay hóa chất, thuốc như nuôi tôm nước lợ.

Cá tra, tôm càng xanh cho vùng ngọt

Cá tra là một trong những đối tượng thủy sản chủ lực của Bến Tre, sau tôm nước lợ. Thời gian qua, tuy có khó khăn về giá cả, tiêu thụ nhưng diện tích nuôi cá tra của tỉnh vẫn giữ được 800 ha/năm, tập trung phần lớn ở các doanh nghiệp (90% diện tích). Đây cũng là một lợi thế lớn cho con cá tra của Bến Tre vì hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung nuôi theo mô hình công nghiệp, đạt năng suất cao và thực hành nuôi theo các tiêu chuẩn trong nước cũng như thế giới, như: VietGAP, GlobalGAP, ASC… Theo ông Buội, hiện tỉnh đang tổ chức nuôi theo quy hoạch với quy mô lớn, tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và đạt các tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế, để nâng cao giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với cá tra, nhờ tính thích nghi cao cả trong điều kiện nước lợ và nước ngọt nên những năm gần đây, con tôm càng xanh ngày càng được nông dân Bến Tre ưa chuộng đưa vào nuôi chủ yếu theo 2 mô hình: nuôi trong mương vườn và nuôi luân canh với tôm sú theo mô hình tôm – lúa. Tuy năng suất không cao như tôm nước lợ, nhưng bù lại tôm càng xanh rất dễ nuôi, ít dịch bệnh và có giá bán ổn định ở mức cao. Thời gian gần đây, nhờ có giống tôm càng xanh toàn đực, cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nên hiệu quả nuôi tôm càng xanh ở Bến Tre ngày càng cao. Theo ước tính của người nuôi, bình quân mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha sau 6 – 7 tháng nuôi.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, ông Buội cho biết: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt thì con tôm càng xanh nói chung và tôm càng xanh toàn đực nói riêng tỏ ra thích hợp nhất khi có thể phát triển tốt ở môi trường có độ mặn từ 0 – 10‰. Hơn nữa, nuôi tôm càng xanh đòi hỏi vốn, kỹ thuật không cao như tôm thẻ hay tôm sú, có thể tận dụng nuôi kết hợp tôm – lúa hay nuôi trong ao mương vườn dừa, nên rất phù hợp với khả năng đầu tư cũng như trình độ của đa số hộ dân. Sản lượng tôm càng xanh của Bến Tre hiện khoảng 1.100 tấn/năm, nhưng đây được xem là đối tượng nuôi tiềm năng của tỉnh vì dư địa phát triển còn rất lớn”.

Nâng tầm sản phẩm chủ lực

Theo quy hoạch, Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi thủy sản chủ lực đạt 37.000 ha; trong đó, tôm sú đạt 22.500 ha, TTCT 13.500 ha, cá tra thâm canh 1.000 ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản chủ lực đạt 402.870 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Bến Tre sẽ tập trung đầu tư, thi công hoàn thiện sớm hạ tầng phục vụ vùng nuôi: thủy lợi, giao thông, điện 3 pha. Tăng cường công tác sản xuất giống để chủ động nguồn giống có chất lượng và đủ về số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu vùng nuôi. Về kỹ thuật, tập trung các giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào nghề nuôi như: nuôi công nghệ cao, nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế và dễ dàng trong truy xuất nguồn gốc…Trong đó với các mô hình nuôi TTCT công nghệ cao sẽ quan tâm quản lý môi trường chặt chẽ hơn vì nước thải và chất thải từ mô hình này là rất lớn; cùng đó, cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, có nguồn nhân lực phù hợp, có đủ nguồn điện 3 pha và kết nối đầu ra vì hiện Bến Tre chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm công suất khá nhỏ.

Xuân Trường

Nguồn: Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết