Nuôi tôm công nghệ cao - đầu tư khéo, lợi nhuận cao

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Thay vì nuôi tôm theo phương pháp ao đất lót bạt truyền thống, những năm gần đây, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có xu hướng chuyển sang nuôi tuần hoàn khép kín, áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đem lại hiệu quả cao, hạn chế rủi ro không đáng có.

Đơn vị tiên phong xây dựng mô hình Nuôi tôm CPF-Combine

Thay vì nuôi tôm theo phương pháp ao đất lót bạt truyền thống, những năm gần đây, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có xu hướng chuyển sang nuôi tuần hoàn khép kín, áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đem lại hiệu quả cao, hạn chế rủi ro không đáng có.

thuysan247.com

Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển ngành nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven bờ công nghệ cao mà tỉnh đã đề ra.

Hệ thống xử lý nước biển trước khi đưa vào ao nuôi

Hệ thống xử lý nước biển trước khi đưa vào ao nuôi

Nuôi tôm khép kín

Những năm gần đây, các khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đầu ra không ổn định, tôm rớt giá, chi phí thức ăn tăng cao, khiến nhiều chủ cơ sở bỏ đìa, hoặc chuyển sang nuôi cá, ốc hương. Diện tích nuôi tôm ở những vùng nuôi trọng điểm thu hẹp dần. Cao điểm là giai đoạn năm 2017 - 2018, thị trường tôm thịt trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung rơi vào khủng hoảng, giá thấp chưa từng có, cộng với môi trường nuôi không đảm bảo, bị ô nhiễm khiến tôm nuôi thời điểm ấy liên tục “rớt đáy”.

Là một trong những người nuôi tôm lâu năm của tỉnh, 20 năm trước, ông Bùi Văn Tri là người tiên phong khai phá vùng đất cát hoang ở xã Hòa Thắng làm 2 ao nuôi tôm theo kiểu truyền thống, sau đó ông gói ghém rồi mở rộng dần cơ sở nuôi. Mới đây, có dịp trở lại cơ sở nuôi tôm của ông, chúng tôi khá ngạc nhiên khi chỉ từ hộ nuôi nhỏ lẻ, nay ông Tri đã thành lập Công ty TNHH Bảo Ý với hàng chục ha nuôi tôm công nghệ cao. Dẫn chúng tôi đi tham quan “cánh đồng” tôm với những ô lồng nuôi khép kín như chiếc nón lá khổng lồ xếp nối tiếp nhau. Có được kết quả này là một chặng đường nhiều gian truân, nơi mà ý chí của ông được tôi luyện qua mỗi vụ tôm thấm đẫm mồ hôi.

Nuôi tôm lót bạt theo kiểu truyền thống

Nuôi tôm lót bạt theo kiểu truyền thống

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất, ông Tri kể, trong năm 2018, ông đã sang Thái Lan, đến các tỉnh miền Tây học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Lúc ấy, vốn cạn kiệt, thị trường tôm đang khủng hoảng, nhưng ông liều một phen, mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất sang kiểu nuôi mới an toàn, đạt chất lượng. Từ vài ha ban đầu, ông thuê thêm đất, mở rộng vùng nuôi, làm cuốn chiếu, đến nay, khu nuôi tôm công nghệ cao của ông rộng khoảng 20 ha có 13 khu với 100 ao nuôi (mỗi ao rộng khoảng 800 - 1.000 m2) được đầu tư nhà lồng khép kín, hệ thống oxy, ao lắng…

Là đơn vị tiên phong xây dựng mô hình Nuôi tôm CPF-Combine (là mô hình kết hợp 3 giai đoạn chính trong quá trình nuôi tôm (ương giống, nuôi thương phẩm và nuôi ao bánh đập) vào một hệ thống khép kín, giúp tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Mô hình này hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng tôm, đồng thời đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường). Anh Bùi Thiên Bảo - con trai ông Tri, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Ý cho biết: “Để đầu tư 1 ao nuôi theo công nghệ hiện đại, chi phí khoảng 500 triệu đồng. Do chi phí đầu tư cao, nên nhiều người chưa mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, khi đã áp dụng mô hình này thì tỷ lệ nuôi thành công sẽ khả quan hơn và giúp người nuôi nhanh thu hồi vốn. Mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường hơn 500 tấn tôm thương phẩm chất lượng cao, kích cỡ 30 - 40 con/kg”.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo anh Bảo, ưu điểm của mô hình Nuôi tôm CPF-Combine là dễ quản lý hoạt động nuôi tôm nhờ dạng ao tròn, sự chuyển động của lực ly tâm giúp lượng thức ăn thừa, xác tôm chết tập trung ở đáy ao. Từ đó, người nuôi có thể kiểm soát tốt lượng thức ăn thừa và lượng tôm hao hụt, dễ kiểm tra đáy ao, chất lượng nước. Việc hút cặn đáy ao cũng dễ hơn. Quy trình nuôi 3 giai đoạn giúp môi trường ao nuôi trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của tôm. Đồng thời, tận dụng được ưu thế tăng trưởng do thưa mật độ ở mỗi giai đoạn, giúp tôm lớn nhanh, nuôi tôm được kích cỡ lớn, tăng năng suất thu hoạch. Mô hình giúp xoay vụ nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm so với cách làm truyền thống trước đây. Đặc biệt, toàn bộ quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại khoáng chất, chế phẩm sinh học, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Khi thực hiện mô hình, hộ nuôi có sự liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp con giống chất lượng cho đến thức ăn, vật tư và được đảm bảo đầu ra khi thu hoạch.

Được biết, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Tri được nhiều bà con nuôi tôm trong tỉnh quan tâm, đến học hỏi kinh nghiệm và đã có hộ nuôi ứng dụng khá thành công. Trước đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Hệ thống máy thổi khí trong ao nuôi tôm” tại công ty của ông Tri và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tại các địa phương khác trong tỉnh, vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng để con tôm chắc, khỏe, ít bệnh khi tôm nuôi với mật độ cao.

Hiện tại, cơ sở của ông Tri đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 người địa phương. “Trong tương lai, chúng tôi đang hướng đến nuôi tôm kết hợp du lịch sinh thái. Du khách đến tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao, có thể trải nghiệm các công đoạn te tôm, vớt tôm và thưởng thức các món ăn từ tôm trực tiếp. Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai thêm vài dịch vụ vui chơi khác để du khách có thêm 1 điểm đến thú vị khi kết hợp tham quan Khu du lịch Hòa Thắng”, anh Bảo chia sẻ thêm.

Tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh các giải pháp nhằm đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản tại các địa phương theo điều kiện sinh thái từng vùng và có ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo đột phá trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Hy vọng, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phát huy hết tiềm năng lợi thế, vực dậy ngành kinh tế biển - vốn là thế mạnh của tỉnh nhà.

Thành công của mô hình Nuôi tôm CPF-Combine đang mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, giúp người nuôi quay vòng vụ nhanh và năng suất cao hơn 3 - 5 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

MINH VÂN

Nguồn: Theo BÁO LÂM ĐỒNG
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết