Bảo tồn thành công giống cá mương bản địa

Adv thuysan247
Đề tài nhằm bảo tồn giống cá mương bản địa, qua đó đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững của ngành thủy sản Phú Yên.

Cá mương.

Đề tài nhằm bảo tồn giống cá mương bản địa, qua đó đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững của ngành thủy sản Phú Yên.

thuysan247.com

Hội đồng KH-CN tỉnh vừa nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và thăm dò sản xuất giống nhân tạo cá mương (Hemicult leucisculus, Basilewsky, 1855) tại Phú Yên” do ThS Lương Trọng Bích, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III làm chủ nhiệm.

Cá mương giảm mạnh số lượng

Theo ThS Phạm Trường Giang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cá mương là loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép có chất lượng thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế. Từ lâu, cá mương được coi là đặc sản, gắn liền với thị hiếu ẩm thực của người dân các huyện Tuy An, Đồng Xuân. Kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài cho thấy: cá mương xuất hiện nhiều trên sông Kỳ Lộ đoạn từ La Hai đến thị trấn Chí Thạnh và tập trung nhiều ở khu vực cầu Ngân Sơn.

Thời gian gần đây, do các điều kiện chủ quan, khách quan như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác thủy sản tận diệt bằng các ngư lưới cụ bị cấm (dùng xung điện, thuốc nổ, hóa chất…), nguồn lợi thủy sản nói chung giảm sút nghiêm trọng. Những điều kiện trên cũng ảnh hưởng đến tập tính sinh sản và làm biến mất các bãi đẻ tự nhiên của cá mương dẫn đến sản lượng khai thác cá mương ở sông Ngân Sơn giảm đến mức đáng báo động.

Nhận thấy sự nguy cấp cũng như giá trị đặc biệt của loài cá này mang lại, UBND tỉnh Phú Yên đã đặt hàng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện nghiên cứu bảo tồn trong bối cảnh trên thế giới và Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu về sinh sản nhân tạo loại cá này. Đề tài thực hiện thành công được kỳ vọng sẽ giúp địa phương chủ động sản xuất giống cá mương, góp phần tái tạo nguồn lợi và bảo tồn nguồn đặc sản của địa phương; đồng thời góp phần đa dạng giống loài nuôi, tạo thêm sinh kế mới.

Bảo tồn giống cá đặc sản

Sau đề tài của ThS Lương Trọng Bích, tỉnh Phú Yên đang triển khai thực hiện nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen bản địa có nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng thời khai thác, phát triển các loài bản địa có năng suất sinh trưởng, sinh sản ổn định, có giá trị kinh tế. Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết bước đầu tỉnh đang tập trung nghiên cứu bảo tồn nguồn gen.


Nhóm tác giả khai thác cá mương ở huyện Tuy An để phục vụ nghiên cứu. Ảnh: THÁI HÀ

Sau khi đã bảo tồn thành công, sẽ có những bước tiếp theo để hoàn thiện quy trình nuôi, xây dựng thương hiệu góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Bởi trong bối cảnh thị trường hội nhập cùng với yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao thì việc tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa là khâu quan trọng để đặc sản của các địa phương tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sau hai năm thực hiện, chủ nhiệm đề tài Lương Trọng Bích cho biết ông và nhóm cộng sự đã sản xuất nhân tạo thành công giống cá mương bằng cách tiêm kích thích tố (HCG, LH-Rha) cho cá đẻ và thu được 23.000 con cá mương giống kích cỡ 1-3cm. Kết quả nghiên cứu của đề tài là căn cứ để Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân thông tin về mùa vụ, kích cỡ khai thác, biện pháp khai thác hợp lý các bãi giống, con giống tự nhiên; gắn khai thác với công tác bảo vệ nguồn lợi các bãi giống tự nhiên trong vùng. Sau khi sản xuất giống nhân tạo thành công, nhóm tác giả và cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành nhiều đợt thả cá giống về môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tương lai.

Theo ông Lê Văn Cựu, nhóm tác giả đã vượt qua nhiều trở ngại để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen cá mương. Việc nghiên cứu và nhân giống cá mương thành công đã giúp tỉnh Phú Yên lưu giữ được nguồn gen thủy sản quý hiếm; đồng thời cũng giúp Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản có khả năng chủ động trong công tác sản xuất giống, chủ động nguồn con giống phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, để loài cá này không bị mai một theo thời gian cần những nghiên cứu sâu hơn cũng như có sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền địa phương với kế hoạch và giải pháp cụ thể để khai thác hiệu quả nguồn lực. 

Tuy nhiên, giám đốc Sở KH-CN Phú Yên Lê Văn Cựu cũng nhấn mạnh thêm, bảo tồn chỉ là bước đầu và sẽ vô nghĩa nếu bảo tồn xong rồi để đó. Vì vậy, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tham mưu UBND tỉnh tìm kiếm các giải pháp xây dựng quy trình nuôi, hướng đến xây dựng thương hiệu. Bởi, đặc sản địa phương cũng là sản phẩm hàng hóa, do vậy cũng chịu sự tác động bởi các quy luật cạnh tranh và cung cầu, muốn tồn tại, phát triển được thì đặc sản địa phương cần phải được tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị hàng hóa. Xây dựng thương hiệu cho cá mương chính là giải pháp hiệu quả để người dân tạo lập, bảo tồn, phát triển được các giá trị của sản phẩm này.

Nguồn: Theo Báo Phú Yên
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết