Ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đến đa dạng thành phần loài cá

Adv thuysan247
Sinh vật ngoại lai xâm hại đến đa dạng sinh học, là nguyên nhân lớn dẫn đến suy thoái nghiêm trọng ở hệ sinh thái nước ngọt.

Hình minh họa

Sinh vật ngoại lai xâm hại đến đa dạng sinh học, là nguyên nhân lớn dẫn đến suy thoái nghiêm trọng ở hệ sinh thái nước ngọt.

thuysan247.com

Đa dạng sinh học trong môi trường trên thế giới đang có những biến đổi và ngày càng cạn kiệt đến mức đáng báo động, những nguyên nhân dẫn đến vấn đề cấp bách này như môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức và các hoạt động khác của con người,…

Một trong những nguyên nhân gây nên báo động trên là sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai. Suy thoái đa dạng sinh học đang rất nghiêm trọng ở hệ sinh thái nước ngọt, chỉ chiếm ít ỏi 0,1% lượng nước trên trái đất, nhưng đây là nơi trú ngụ của 40% loài cá (Nelson, 1994). Cá là thành phần chủ chốt để xác định sự đa dạng và phong phú về thành phần loài của thủy vực và là nhóm đối tượng thể hiện cho chất lượng nước của hệ sinh thái. 

Sinh vật ngoại lai là gì?

Sinh vật ngoại lai (sinh vật nhập hội) là loài sinh vật được mang đến từ một vùng nằm ngoài vùng phân bố tự nhiên của chúng. Sinh vật ngoại lai là một phần của thế giới sinh vật. Đối với hệ sinh thái dưới nước, các loài cá ngoại lai có nhiều đóng góp cho thủy vực như:

  • Làm hơn đa dạng về thành phần loài cá
  • Kiểm soát sự phát triển quá mức của các loài địa phương
  • Là thành phần không thể thiếu của các hoạt động giải trí như câu cá và hệ thống bể cá, thủy cung.

Ngoài ra, điều đáng để nhắc tới nhất khi đề cập đến sinh vật ngoại lai là sự ảnh hưởng phá hủy nặng nề môi trường sống, nhóm này là nhóm sinh vật ngoại lai xâm lấn. Sinh vật ngoại lai xâm lấn (xâm hại) là loài sau khi xâm nhập vào môi trường mới, loài này mở rộng phạm vi phân bố vào vùng địa lý mới và trở thành loài xâm lấn. Các tác động của loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm:

  • Cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sinh sống
  • Ăn thịt các loài bản địa
  • Phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống bản địa
  • Truyền bệnh và ký sinh trên các loài bản địa

Các kết quả nghiên cứu cho thấy sinh vật ngoại lai xâm hại đã làm tuyệt chủng 39% số loài xuất hiện trên bề mặt trái đất kể từ năm 1600 và phá hủy mất 36% các hệ sinh thái (Nhàn và cộng sự, 2012). Theo báo cáo của Moyle và Leidy, gần 20% loài cá nước ngọt hoang dã trên thế giới đã tuyệt chủng hoặc trên bờ vực tuyệt chủng.

Tuy nhiên không phải loài sinh vật ngoại lai nào cũng gây hại, có rất nhiều sinh vật ngoại lai mang lại giá trị kinh tế rất cao. Nổi bật nhất ở Việt Nam là tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau khi được du nhập đến Việt Nam vào khoảng những năm 2000 thì giống tôm này đã nhanh chóng thay thế vị trí số một về sản lượng nuôi của loài tôm sú có nguồn gốc bản địa (Penaeus monodon). Ưu thế của tôm thẻ chân trắng là sức tăng trưởng vượt trội, thích nghi tốt với nhiều nồng độ muối khác nhau, khả năng chống chịu với một số bệnh tật như bệnh do virus đốm trắng, virus đầu vàng, cũng như sự thành công trong việc nuôi gia hóa, khép kín vòng đời để tạo được nguồn tôm bố mẹ và tôm giống sạch bệnh. Theo thống kê của Hiệp hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam, ngành công nghiệp tôm thẻ chân trắng luôn chiếm vai trò chủ chốt, không ngừng gia tăng về tỉ trọng trong cơ cấu xuất khẩu tôm từ năm 2013 cho đến nay.

Một số sinh vật ngoại lai xâm hại đến thành phần loài cá ở Việt Nam

Ốc Bươu Vàng (Pomacea canaliculata)


Ốc bươu vàng là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây tổn thất lớn nhất trên thế giới. 

Là loài có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ, ban đầu được nhập vào Việt Nam với mục đích làm cảnh từ trước 1975. Do vòng đời ngắn và khả năng sinh sôi và phát triển mạnh nên nhanh chóng loài sinh vật này đã có mặt ở hầu hết các thủy vực tại Việt Nam. Không lâu, ốc bươu vàng đã trở thành vấn đề nan giải cho nền nông nghiệp Việt Nam do đặc tính có thể ăn được hầu hết các loài thực vật. Không dừng lại ở đó, hệ sinh thái dưới nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi sự có mặt ngày càng nhiều của loài sinh vật xâm lấn này làm cho không gian sống và người thức ăn thực vật cho các loài cá bị thu hẹp dần.

Bèo Lục Bình (Eichhornia crassipes)


Hoa lục bình, hình ảnh quen thuộc của mọi miền sông nước ở Việt Nam (nguồn Hóa Tươi Văn Nam)

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhưng có tên gọi khác là bèo Nhật Bản vì có người cho là mang từ Nhật về. Chỉ trong thời gian ngắn, 10 ngày, loài này có thể phát triển nhanh chóng và nhân lên góp đôi về diện tích mặt nước. Cũng giống như ốc Bươu Vàng, mục đích ban đầu cũng chỉ là để làm cảnh nhưng sau khi xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng năm 1902, bèo Lục Bình dường như đã phát triển và phân bố rộng khắp các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam. Sinh sôi nhanh làm lượng bèo xuất hiện trên mặt nước ngày càng nhiều làm cho các mức độ hòa tan Oxy trong nước giảm dẫn đến làm cá và các loài sinh vật khác trong nước chết đi.

Cá lau kiếng (Hypostomus punctatus)


Loài cá không còn xa lạ với người dân Việt Nam (ảnh: Đỗ Thanh Trọng)

Hay còn có tên gọi khác là cá lau kính, cá dọn bể, cá tỳ bà có nguồn gốc phân bố ở Trung và Nam Mỹ. Loài cá này đang là nguyên nhân chính dẫn đến làm giảm lượng thức ăn tự nhiên trong ao (tảo, thực vật phù du và vật chất lơ lửng trong nước) cũng như đe dọa làm tuyệt chủng các giống loài bản địa bởi ăn luôn trứng của cá loài này do khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên tốt và là loài ăn tạp. Ngoài việc tàn phá đa dạng sinh học và cạnh tranh với các đối tượng khác trong thủy vực, cá lau kiếng còn làm hư hỏng ngư cụ của người dân đánh bắt gây thiệt hại về kinh tế.

Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans)


Rùa tai đỏ có nguồn gốc Bắc Mỹ được du nhập vào Việt Nam năm 1994.

Là loài động vật ăn tạp, hung dữ, chúng ăn tất cả các loài cá bé hơn chúng và tấn công các loài động vật thủy sinh. Chúng được xếp hạng gần cuối trong số 206 động vật xâm hại môi trường. Khi thoát ra môi trường chúng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa do khả năng tàn phá của mình.

Tôm hùm đất (Procambarus clarkii) 


Tôm hùm đất bị cấm nuôi, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Trung Dũng

Năm 2018, mang lại gần 40 tỷ USD cho Trung Quốc và được minh chứng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Mỹ, nhưng ở Việt Nam để đảm bảo phát triển bền vững thì loài này đã bị cấm do tác hại khủng khiếp của nó. Chúng bò nhanh, phát tán rộng và khó diệt hơn ốc bươu vàng rất nhiều. Ngoài ra, do đặt tính sống trong hang sâu từ 1 đến 2 m nên nó phát hoại hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp và chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa.

Để phát triển ngành thủy sản bền vững đi đôi với vấn đề môi trường là đa dạng sinh học của thủy vực mà sinh vật ngoại lai xâm lấn lại có những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến các loài bản địa nên cần có những chủ trương và biện pháp kịp thời để ngăn chặn sự diệt vong của những loài cá bản địa.

Nguồn: Theo tepbac
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết