Phát triển kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng của Việt Nam
4 lĩnh vực bao gồm nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng được CIEM đề xuất thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4/8, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đã trình bày Dự thảo Nghị định. Theo đó, 4 lĩnh vực được đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại dự thảo Nghị định, bao gồm: Nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia cơ chế thử nghiệm không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống.
“Nguyên nhân là do các mô hình kinh tế tuần hoàn mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản…” – ông Nguyễn Anh Dương thông tin.
4 lĩnh vực được đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn bao gồm: Nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng
Về nội dung chính sách thử nghiệm, dự thảo Nghị định đưa ra các chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai. Trong đó, liên quan đến chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, dự thảo Nghị định đề xuất cho phép dự án kinh tế tuần hoàn được tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp, năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trong ít nhất 50% trong tổng doanh thu được cho phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư dự án kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp, khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được tạm trú, thường trú trong khu công nghiệp, khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định pháp luật về cư trú và pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Liên quan đến chính sách phân loại xanh, theo Dự thảo Nghị định, dự án kinh tế tuần hoàn xanh toàn phần là dự án kinh tế tuần hoàn gồm chuỗi các hoạt động canh tác, nuôi trồng, khai thác, thu gom, sản xuất, chế biến, tái chế, tái tạo nối tiếp tạo lên chuỗi chu trình vận động dòng chảy vật chất liên tục cấu thành lên chuỗi, lưới giá trị hoạt động không phát thải khí nhà kính ra môi trường. Dự án kinh tế tuần hoàn xanh toàn phần vận động dựa trên nguyên tắc sử dụng toàn bộ sản phẩm, phế phẩm, phụ phẩm, chất thải của chu trình sản xuất, chế biến ban đầu được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu, phương tiện, công cụ đầu vào cho chu trình hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, tái tạo kế tiếp…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng, nhất là trong bối cảnh 2 năm (2021-2022) thế giới chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Cùng với đó, thực tiễn công cuộc đổi mới trong hơn 36 năm qua cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh cũng đang góp phần gia tăng thách thức cho Việt Nam về các vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới là chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn, ngày 7/6/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồng thời, đặt ra cách tiếp cận hướng nhiều hơn tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về tập trung ban hành các chính sách dài hạn, nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tại Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Linh Đan
Nguồn: Theo BÁO CÔNG THƯƠNG Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết