VASEP đề xuất thực hiện 'y tế tại chỗ'

Adv thuysan247
Chỉ khoảng 30% công ty thủy sản phía Nam đủ điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" trong khi vẫn phải gồng gánh quá nhiều chi phí, VASEP kiến nghị thực hiện "y tế tại chỗ"

VASEP cho rằng ngành thủy sản Việt Nam còn phải sống chung với dịch trong thời gian dài. Ảnh: Hoàng Hà.

Chỉ khoảng 30% công ty thủy sản phía Nam đủ điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" trong khi vẫn phải gồng gánh quá nhiều chi phí, VASEP kiến nghị thực hiện "y tế tại chỗ"

thuysan247.com

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) kiến nghị một số giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn "3 tại chỗ".

Theo báo cáo, hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản ở phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" và số lượng công nhân ở những nhà máy này cũng chỉ đạt 30-50% do nhiều lao động phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

"Công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40% đến 50% so với trước đây. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách xã hội. Dự tính nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%", VASEP cho biết.

Hiệp hội cho rằng việc thực hiện "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa và 4-5 tuần đối với doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân do doanh nghiệp phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất và thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy.

Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản, VASEP kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ" ở các địa phương.

Về lâu dài, VASEP cho rằng ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải sống chung với dịch Covid-19. Do đó, hiệp hội kiến nghị thực hiện bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “y tế tại chỗ”.

Cụ thể, thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và CDC, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.

CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.

Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm… hướng dẫn các biện pháp an toàn “chặt trong, chặt ngoài” kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho doanh nghiệp và sinh kế cho công nhân, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.

Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Y tế xem xét các điều kiện để thực hiện phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm” kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp, của cơ quan y tế địa phương.

Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị có hỗ trợ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp…

Nguồn: Theo Vasep.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết