Trung Quốc: Chuẩn bị bước sang thời kỳ của sáp nhập và mua lại

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Hội nghị Thượng đỉnh Thủy sản Trung Quốc đã diễn ra từ ngày 13 – 15/11/2023 tại thành phố cảng Xiamen. Sự kiện được tổ chức bởi Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh Thủy sản Trung Quốc đã diễn ra từ ngày 13 – 15/11/2023 tại thành phố cảng Xiamen. Sự kiện được tổ chức bởi Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc.

thuysan247.com

Dưới đây là một số nội dung chính diễn ra tại các phiên hội thảo, thảo luận và họp kín trong khuôn khổ Hội nghị:

Nghiêm ngặt bảo vệ môi trường nuôi cá rô phi

Trong khuôn khổ của Hội nghị, một buổi họp kín về cá rô phi đã được tổ chức. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý nuôi cá rô phi bằng một hệ thống cấp phép mới, những giấy phép hết hạn sẽ phải thay mới hoàn toàn. Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của Trung Quốc cho biết Hải quan cũng yêu cầu tất cả sản phẩm xuất khẩu phải có giấy phép nuôi trồng. Đối với các trại cá rô phi, việc có giấy phép là yêu cầu bắt buộc, chứng minh nước từ ao nuôi đã được xử lý trước khi thải ra môi trường. Các nhà xuất khẩu đã đề xuất với Chính phủ rằng: việc áp dụng các quy định mới cần phải có thời gian, không nên "hối thúc" người dân, vì còn liên quan đến vấn đề chi phí (ví dụ: chi phí lắp đặt bể xử lý nước). 

Nhập khẩu cua hoàng đế tăng nhanh

Tháng 10, Trung Quốc nhập khẩu 24.000 tấn cua từ Nga, trị giá 600 triệu USD. Thời gian gần đây, tiêu dùng cua hoàng đế và cua tuyết Nga tăng cao tại Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 20.614 tấn cua sống từ Nga, trị giá 678,7 triệu USD, tăng 60,7% về khối lượng và 39,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, hình thức vận tải chủ yếu là đường biển và hàng không.

Chuẩn bị bước sang thời kỳ của sáp nhập và mua lại

Tại Hội nghị, một số chuyên gia dự báo năm 2024 sẽ là thời kỳ của việc sáp nhập và mua lại sau khi các công ty trong ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng đã trải qua khoảng thời gian vô cùng "điêu đứng". Ông Shi Tongcai, Phó Chủ tịch Quanlian Jicai - công ty nhập khẩu tôm lớn nhất Trung Quốc - nhấn mạnh rằng tiêu dùng thủy sản đông lạnh vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp nhập khẩu. Ông mạnh dạn phát biểu: "Hầu như không doanh nghiệp nào có lời". Cũng chính bởi điều này, năm 2024, nhiều công ty nhỏ không "trụ" được sẽ phải sáp nhập hoặc bị công ty lớn thu mua.

Tiêu dùng cá hồi phi lê sẽ giảm

Thời kỳ hậu đại dịch, bức tranh tiêu dùng cá hồi tại Trung Quốc đã sang một trang mới. Nếu như trước kia, người Trung Quốc ưa thích tiêu dùng cá hồi tại các nhà hàng Nhật Bản hoặc tiệc buffet ở khách sạn; thì gần đây họ có xu hướng mua về nấu tại nhà. Theo đó, tiêu thụ tại các kênh dịch vụ thực phẩm giảm đáng kể. Một đại biểu tham dự Hội nghị dự đoán: khối lượng nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 90.000 tấn, sản phẩm chủ đạo là cá to và cá nguyên con, các sản phẩm phi lê sẽ giảm; tới 2023 lượng cá hồi tiêu dùng nội địa sẽ tăng lên 160.000 tấn.

Người Trung Quốc sẵn sàng trả thêm tiền cho thủy sản bền vững

Xu hướng tiêu dùng "thủy sản bền vững" đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Trung Quốc. Ông Liu Junn, giám đốc ban thủy sản tại siêu thị CR Vanguard Ole cho biết trong 5 năm qua, đơn hàng thủy sản có chứng nhận bền vững đã tăng gấp sáu lần. Người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn tới nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn toàn cầu, trách nghiệm xã hội, và tính thân thiện môi trường của sản phẩm, thậm chí họ bày tỏ sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trên. Đặc biệt sau vụ xả nước thải nhiễm hạt nhân đã qua xử lý của nhà máy Fukushima tại Nhật Bản, người dân Trung Quốc chuyển hướng mạnh mẽ sang các sản phẩm thủy sản từ các khu vực châu Nam Cực và Bắc Cực. 

Tiêu dùng vào nhà hàng lẩu tăng mạnh

Kỷ nguyên hậu Covid có lẽ là "thời" của ngành kinh doanh lẩu tại Trung Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mức trung bình trước đại dịch, và có thể được coi là nhóm phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp thủy sản. 9 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lẩu tại Trung Quốc tăng 50,1%, với sản phẩm tôm viên và cá viên ngày càng được ưa chuộng. Ngoài ra, sản phẩm có tên "Rocket Squid" (tạm dịch: bạch tuộc tên lửa) và hải sâm cũng đang là xu hướng "ăn lẩu" mới. 

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết