Nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và đề xuất các giải pháp quản lý sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động trong một số doanh nghiệp nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe người lao động trong ngành nghề này.
Tóm tắt
Nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và đề xuất các giải pháp quản lý sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động trong một số doanh nghiệp nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe người lao động trong ngành nghề này. Các doanh nghiệp nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển một cách mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất này cũng đem lại nhiều rủi ro về sức khỏe cho người lao động, do điều kiện lao động còn tiềm ẩn nhiều mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: nhiệt độ, tiếng ồn, bức xạ, các máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động…
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp đo đạc các thông số của môi trường lao động (MTLĐ) và khảo sát điều kiện an toàn lao động ở 5 doanh nghiệp nuôi tôm tại 5 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả đo đạc MTLĐ cho thấy, các thông số về vi khí hậu đều đạt tiêu chuẩn trừ nhiệt độ và cường độ bức xạ nhiệt do điều kiện thời tiết khu vực nắng nóng; thông số về bụi, bụi hô hấp và hơi khí độc đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Điều kiện an toàn lao động cho thấy còn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động do nơi làm việc trơn trượt, máy móc thiết bị không đảm bảo an toàn.
- Giới thiệu
Ngành nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long là một ngành kinh tế trọng điểm của khu vực này. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đất có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi tôm, nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch mênh mông. Ngành nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích ao nuôi tôm trong khu vực này khoảng 670.000 ha, với sản lượng nuôi tôm đạt khoảng 600.000 tấn/năm. Vào năm 2022, ngành nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm trên thị trường quốc tế đang gia tăng.
Theo các báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng tôm nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng trưởng nhanh chóng, ước tính đạt trên 800.000 tấn/năm, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng tôm của cả nước. Các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… đang là các trung tâm sản xuất tôm lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, nghiên cứu điều kiện lao động tại các cơ sở nuôi tôm là rất quan trọng và cần thiết để bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động, nâng cao hiệu suất sản xuất và đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện quan trắc môi trường lao động, đánh giá thực trạng điều kiện lao động tại các cơ sở nuôi tôm tại 5 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
- Phương pháp và phạm vi nghiên cứu
2.1. Phương pháp đo đạc
– Quan trắc nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ nhiệt theo quy định tại QCVN 26:2016/BYT;
– Quan trắc Chiếu sáng theo quy định tại QCVN 22:2016/BYT;
– Quan trắc Tiếng ồn theo quy định tại QCVN 24:2016/BYT;
– Quan trắc, lấy mẫu phân tích Bụi theo QCVN 02:2019/BYT;
– Lấy mẫu và phân tích CO2 theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 13;
– Lấy mẫu và phân tích NO2 theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 37;
– Lấy mẫu và phân tích CO theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 14;
– Lấy mẫu và phân tích NH3 theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 5.
2.2. Thiết bị đo
– Đo vi khí hậu bằng máy Testo 425 (GERMANY);
– Đo ánh sáng bằng máy hiện số EXTECH (USA);
– Đo tiếng ồn bằng máy hiện số RION – NL 42 (JAPAN);
– Bụi được lấy mẫu bằng máy SIBATA(JAPAN) và được xác định theo phương pháp đo bụi trọng lượng, cân phân tích Sartorius, độ nhạy 1×10- 5gr (Đức);
– Các hơi, khí được thu mẫu theo phương pháp hấp thụ bằng máy SIBATA, Model Σ30, Phân tích bằng phương pháp so màu, máy so màu Lambda 25 (singapore) và sắc ký khí GC-FID SHIMADZU 17A;
– Thực hiện quan trắc các yếu tố có hại đã được người sử dụng lao động ghi trong Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động bao gồm: Vi khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, bụi và hơi khí.
2.3. Các cơ sở tham gia nghiên cứu và cơ số mẫu
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát ĐKLĐ tại các cơ sở nuôi tôm với số lượng mẫu như sau:
Bảng 1. Số lượng mẫu quan trắc MTLĐ tại các cơ sở nuôi tôm
- Kết quả và bàn luận
3.1. Kết quả khảo sát điều kiện vệ sinh lao động
3.1.1. Kết quả đo đạc vi khí hậu
Thời gian đo đạc 3 lần trong ngày làm việc, hình 1 cho thấy biểu đồ nhiệt độ trung bình đo đạc 3 lần trong ngày dao động từ 33,8oC đến 35,1oC. Đồng thời kết quả đo đạc nhiệt độ có độ lệch đo đạc của các giá trị trong khoảng 1,4oC đến 3,0oC. Có thể thấy rằng, trên biểu đồ thể hiện tỉnh Bến Tre có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 33,8oC, còn Đồng Tháp là tỉnh có nhiệt độ trung bình cao nhất đạt 35,1oC.
Bảng 2
Theo bảng trên, có thể thấy rằng, kết quả đo nhiệt độ môi trường lao động tại các cơ sở nuôi tôm đều vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 26:2016/BYT (từ 18oC đến 32oC) và điều này dẫn đến một số tác động xấu đến sức khỏe người lao động như: sốc nhiệt, đau đầu và căng thẳng mệt mỏi.
Trên thực tế trong các cơ sở nuôi tôm, cường độ bức xạ nhiệt cũng dao động ở mức cao trong khoảng từ 50 W/m2 đến 190 W/m2, với giá trị trung bình khoảng 125,6 – 131,3 W/m2. Trong đó tỉnh Bến Tre có bức xạ nhiệt cao nhất là 131,3 W/m2, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang có bức xạ nhiệt thấp nhất là 125,6 W/m2.
Từ kết quả đo bức xạ nhiệt môi trường lao động tại các cơ sở nuôi tôm cho thấy hầu hết đều vượt ngưỡng cho phép 100 W/m2 theo TCVN QCVN 26:2016/BYT. Người lao động có thể gặp các tác hại của bức xạ nhiệt lên sức khỏe khi làm việc dưới cường độ bức xạ vượt quá 100 W/m2. Tuy nhiên, phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, độ lớn của bức xạ, tần số của bức xạ và đặc tính của người lao động thì có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như: Gây ra đau rát, mỏi mệt và khó chịu; Tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư da, ung thư hạch bạch huyết, và các vấn đề về sinh sản; Gây ra các vấn đề liên quan đến hệ thống thần kinh như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt và suy nhược thần kinh; Gây ra các vấn đề liên quan đến hệ thống cơ và xương như đau lưng, đau khớp và giảm sức mạnh cơ bắp.
Độ ẩm tại các cơ sở nuôi tôm tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long theo đo đạc đều nằm trong ngưỡng cho phép dao động từ 65% đến 72%, với giá trị trung bình khoảng 67,6%. Độ ẩm trung bình thấp nhất tại cơ sở nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre là 67,2% và cao nhất ở tỉnh Long An với giá trị đạt 67,8%. Với điều kiện độ ẩm này thì người lao động không bị tác động tiêu cực đến sức khỏe khi làm việc.
Hình 1. Kết quả đo vi khí hậu môi trường lao động tại các cơ sở nuôi tôm
Đối với thông số về vận tốc gió, các cơ sở nuôi tôm đều đạt mức dao động tương tự nhau và nằm trong khoảng từ từ 0,4 m/s đến 1,4 m/s, với giá trị trung bình khoảng 0,7 m/s. Đặc biệt, tại cơ sở nuôi tôm ở Bến Tre là cơ sở có tốc độ gió đạt cao nhất lên đến 1,4 m/s. Vận tốc gió tại tất cả các cơ sở được đo đạc đều nằm trong mức cho phép từ 0,2 m/s đến 1,5 m/s theo quy định pháp luật và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động làm việc tại đây.
3.1.2. Chiếu sáng và cường độ ồn
Đối với quy định của pháp luật về ánh sáng theo QCVN 22:2016/BYT thì ngưỡng ánh sáng cho phép trong ngành nghề này là trên 300 Lux. Theo kết quả đo đạc tại các cơ sở nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, các thông số về ánh sáng tại đây đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Do tính chất công việc đa số là làm việc ngoài trời, nên người lao động sẽ chịu ảnh hưởng bởi độ chói lóa của ánh sáng mặt trời nhưng kết quả đo đạt cho thấy không có vị trí nào vượt ngưỡng 10.000 Lux. Kết quả đo nằm trong khoảng từ 980 – 1.450 Lux.
Nguồn tiếng ồn trong ngành nuôi tôm chủ yếu từ các hệ thống máy bơm, máy tạo ôxy và phương tiện vận tải. Kết quả đo đạc về tiếng ồn ở các cơ sở được quan trắc thì có khoảng 80% các vị trí đạt tiêu chuẩn cho phép. Kết quả đo đạc cường độ ồn nằm trong khoảng 58 – 88,7 dBA.
Hình 2. Kết quả đo cường độ chiếu sáng và độ ồn tại các cơ sở nuôi tôm
3.1.3. Bụi và bụi hô hấp
Trong thực tế, ngành nuôi tôm không có quá nhiều nguồn phát sinh bụi, cũng như bụi hô hấp chủ yếu ở công việc phối trộn thức ăn cho tôm. Kết quả quan trắc môi trường tại các cơ sở cho thấy nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp đạt tiêu chuẩn cho phép. Kết quả đo đạc trung bình tại các khu vực phối trộn và công việc khác là bụi toàn phần dao động trong khoảng 0,42 – 4,12 mg/m3 và bụi hô hấp là 0,11 – 1,37 mg/m3 như biểu đồ hình 3.
Hình 3. Kết quả đo nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp tại các cơ sở nuôi tôm
3.1.4. Kết quả đo đạc các hơi khí độc
Trong quá trình sử dụng hóa chất xử lý ao hồ, nước, người lao động trong ngành nuôi tôm có nguy cơ tiếp xúc với các loại khí độc như: H2S, NH3, CO, CO2, NO2, NH3. Tuy nhiên, hầu hết kết quả quan trắc hơi khí độc môi trường lao động tại các cơ sở nuôi tôm tại địa phương khảo sát đều đạt tiêu chuẩn cho phép do nơi làm việc thông thoáng ngoài trời.
Hình 4. Kết quả đo nồng độ hơi khí độc tại các cơ sở nuôi tôm
3.2. Kết quả khảo sát điều kiện an toàn lao động
3.2.1. Thực trạng an toàn điện và máy móc thiết bị
Trong quá trình nuôi có sử dụng nhiều thiết bị điện như máy cho tôm ăn, các motor bơm nước, motor tạo ôxy, đường dây điện chiếu sáng…; đây là các yếu tố nguy hiểm về điện mà nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được trong quá trình khảo sát thực tế tại các cơ sở nuôi tôm.
Hình 5. Hệ thống đường dây dẫn điện đấu nối tạm dẫn đến rò điện
3.2.2. Thực trạng an toàn công việc trong muôi trường ẩm ướt dễ té ngã
Té ngã, trơn trượt do quá trình đi lại làm việc trong môi trường ẩm ướt, trơn trượt; tác động của điều kiện vi khí hậu xấu, bức xạ nhiệt cao…
Hình 6. Cho tôm ăn trong môi trường ẩm ướt dễ té ngã
- Kết luận
Nghiên cứu đã khảo sát, đo đạc, đánh giá điều kiện vệ sinh lao động và an toàn lao động tại các cơ sở nuôi tôm 5 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, đa số các thông số MTLĐ của các vị trí đều đạt tiêu chuẩn cho phép trừ thông số về nhiệt độ và cường độ bức xạ nhiệt còn tồn tại nhiều vị trí vượt tiêu chuẩn về vi khí hậu nơi làm việc do điều kiện làm việc ngoài trời ảnh hưởng bởi thời tiết khu vực. Do vậy, cần giám sát thường xuyên để cải thiện điều kiện môi trường lao động và bổ sung các biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động như thời giờ làm việc nghỉ ngơi phù hợp, phương tiện bảo vệ cá nhân chống nóng và bức xạ mặt trời. Điều kiện an toàn lao động cho thấy, còn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động cho người lao động do hệ thống điện và thiết bị bị sử dụng điện chưa đảm bảo an toàn trong điều kiện làm việc ẩm ướt.
- Tài liệu tham khảo
[1] Bộ y tế (2016) – QCVN 26:2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu – giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc
[2] Bộ y tế (2016) – QCVN 22:2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vế chiếu sáng – mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc
[3] Bộ y tế (2016) – QCVN 24:2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc
[4] Bộ y tế (2019) – QCVN 02:2019/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi – giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc
[5] Bộ y tế (2019) – QCVN 03:2019/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của 50 yếu tố hóa học tại nơi làm việc
Tác giả
CN. TRẦN MINH THÔNG Phân viện KH ATVSLĐ và BVMT miền Nam (email: [email protected])
THS. ĐỖ VIỆT ĐỨC (Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam (email: dovietduc @gmail.com)
TS. MAI THỊ THU THẢO Khoa Kỹ thuật an toàn, Trường Công nghệ Văn Lang, Trường ĐH Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ([email protected] )
Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết