Tôm càng xanh vốn ở miền Tây, đưa về Bắc nuôi cũng lớn nhanh, to khoẻ

Adv thuysan247
Lâu nay nhiều người vẫn tưởng con tôm càng xanh chỉ phù hợp nuôi ở miền Tây và một số tỉnh từ Nha Trang trở vào. Nhưng thật bất ngờ, loài tôm này có thể nuôi thành công cả ở các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Đồng Phúc (Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh: Trần Oanh

Lâu nay nhiều người vẫn tưởng con tôm càng xanh chỉ phù hợp nuôi ở miền Tây và một số tỉnh từ Nha Trang trở vào. Nhưng thật bất ngờ, loài tôm này có thể nuôi thành công cả ở các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc.

thuysan247.com

Trong đó, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã xây dựng thành công 3 mô hình nuôi tôm càng xanh. Quy mô 3 mô hình khoảng 10.000 con tôm càng xanh trên tổng diện tích 1ha ở xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng.

Thử nghiệm nuôi tôm càng xanh

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, được đánh giá có tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản là hơn 23.000ha. Tuy nhiên đến năm 2019, toàn tỉnh mới có hơn 12.450ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản.

Trước nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, ngoài các đối tượng thủy sản nuôi truyền thống, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã nghiên cứu, đưa vào nuôi thử nghiệm một số đối tượng thủy sản mới theo hướng thâm canh, trong đó có con tôm càng xanh. Loài tôm này sống và phát triển chủ yếu trong môi trường nước ngọt, có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích thước cá thể lớn, thịt thơm ngon, là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, từ tháng 5/2019, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Yên Dũng triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh với quy mô 1ha, 3 hộ tham gia. 

Chị Trần Thị Oanh - cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Giang cho biết, mục tiêu của mô hình là đưa tiến bộ khoa học, đối tượng mới vào nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm bổ sung cơ cấu giống nuôi thủy sản, qua đó nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con.

Theo đó, các hộ tham gia mô hình phải có ao nuôi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật mô hình đề ra, cam kết đối ứng thức ăn, sử dụng hóa chất phù hợp… Con giống cung cấp cho mô hình đảm bảo khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không mang mầm bệnh, do Công ty TNHH Phúc Hà (huyện An Lão, TP.Hải Phòng) cung cấp. Phía Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 35% chi phí thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi và con giống.

Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang tổ chức tập huấn bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Học viên gồm 30 cán bộ khuyến nông và các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản tiêu biểu tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, TP.Bắc Giang.

Theo chị Oanh, về điều kiện ao nuôi tại các mô hình phải đạt diện tích từ 2.000 - 6.000m2, độ sâu 1,2 - 2m, thả chà (tàu dừa, que dào bó thành bó) được cắm thành từng cụm trong ao để làm nơi trú ẩn cho tôm. Diện tích chà chiếm từ 10-20%, chà được bố trí giữa ao.

Trước khi thả tôm, ao nuôi được tháo cạn, dọn sạch bờ cỏ, tu sửa bờ và đăng cống, vét bớt bùn đáy. Các hộ nuôi được hướng dẫn dùng vôi bột với liều lượng từ 7-10kg/100m2 ao, vôi được rải đều khắp mặt ao, chỗ đọng nhiều nước hoặc lầy bùn phải rắc nhiều vôi hơn. Phơi đáy ao từ 5 - 7 ngày để tiêu diệt cá tạp còn sót lại và tiêu diệt những mầm bệnh trong ao.

Khi lấy nước vào ao, cần dùng lưới có kích thước mắt lưới từ 0,5 - 1mm để lọc nước, đề phòng địch hại theo nước vào ao. Ban đầu lấy 50cm nước, sau 5 ngày ổn định môi trường nước thì thả tôm và trong tuần đầu dâng nước lên đến mức nước 1,0 - 1,5m.

Giống tôm thả nuôi đảm bảo khỏe mạnh, không bị dị hình, không mắc bệnh, kích cỡ đồng đều. Mật độ thả nuôi 15 con/m2. Cỡ tôm giống trung bình ≥ 2cm.

Lãi 155 triệu đồng sau 5 tháng nuôi

Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, sau 5 tháng triển khai, mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh có tỷ lệ sống trung bình khoảng 60%; trọng lượng trung bình mỗi con đạt 26,6gram. Sản lượng ước đạt 2,7 tấn tôm.

Qua kết quả nuôi tại các hộ tham gia mô hình cho thấy, con tôm càng xanh rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên việc quản lý, chăm sóc ao nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nuôi cá, các hộ lần đầu tiên nuôi chưa có kinh nghiệm nên việc chăm sóc ao tôm chưa đảm bảo, dẫn đến tỷ lệ sống còn thấp. Điều này đã làm ảnh hưởng đến năng suất, cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình.

Với giá tôm càng xanh thương phẩm ngoài thị trường mua buôn (kích cỡ 30 - 40 con/kg) ở mức 200.000 đồng/kg thì tổng doanh thu của mô hình đạt 540 triệu đồng. Như vậy, sau 5-6 tháng nuôi, 1ha tôm càng xanh cho thu lãi khoảng 155,84 triệu đồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh đã cho thấy mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Do đó, chị Oanh cũng cho biết, trong năm nay Trung tâm tiếp tục triển khai và phổ biến mô hình để bà con nông dân có thể tham khảo, học tập.

Nguồn: Theo Dân Việt
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết