IDI hoạch định đa dạng thị trường
Không còn phụ thuộc vào một thị trường nhất định, là hướng đi của các doanh nghiệp mà không riêng gì ngành hàng thủy sản.
“Setup” kịch bản cung - cầu cho mọi thời điểm
Cách đây không lâu, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của một công ty ở TOP 3 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam, đã biểu quyết thông qua các chỉ số cơ bản.
Công ty phấn đấu ghi nhận doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45%, lợi nhuận sau thuế trên 900 tỷ đồng, vượt 6,3 lần so với thực hiện năm trước, là thước đo hiệu quả cho sự bứt phá của doanh nghiệp. Mức lợi nhuận như trên được xây dựng trên cơ sở các đơn hàng đã ký kết đến hết năm với giá tốt.
Đại diện Hội đồng Quản trị công ty cho biết, nhu cầu “ăn hàng” trên thị trường thế giới trong những tháng đầu năm cực kỳ khả quan, hợp đồng giao nhận liên tục khớp lệnh. Nhu cầu tăng cao khiến giá cá tra xuất khẩu lập những đỉnh mới với mật độ dày, có nhiều thị trường chốt giá trên 6 USD/kg, mức cao nhất từ trước tới nay.
Vị này chia sẻ thêm, kết thúc quý I/2022, hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu đã được ghi nhận và 201 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây là mức kỷ lục về lợi nhuận quý trong lịch sử hoạt động của công ty. Điều đó đã thể hiện phần nào xu hướng kinh doanh năm và lợi nhuận các quý II - III sẽ tiếp tục được cán mốc.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu vọt lên xấp xỉ 34.000 đồng/kg, sắp chạm mốc 35.000 đồng/kg, thậm chí 40.000 đồng/kg, giúp doanh nghiệp “thắng đậm” từ mức chênh lệch ở 2 giai đoạn.
Đại diện Ban lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, còn nhớ trong thời điểm nông dân và doanh nghiệp khác cùng ngành gặp khó vì không bán được hàng, khi các tỉnh phía Nam thực hiện thắt chặt giãn cách do Covid-19 kéo dài, thì công ty đã “tương kế - tựu kế thực hiện 3-4 tại chỗ” nhằm huy động nguồn lực, chủ động chớp thời cơ để tăng hàng dự trữ với “giá cực tốt” và còn mua sắm được nhiều tài sản với “giá hời”.
Nhờ có hệ thống 3 kho lạnh hiện đại, họ đã tích trữ được lượng hàng ngàn tỷ, với giá dưới 20.000 đồng/kg. So sánh với hiện nay, khi giá cá luôn hướng lên kể cả khan nguồn cung, đã tạo cơ hội lớn cho công ty lãi đậm.
Hậu phương vững chắc - tiền tuyến xông trận
Nguồn hàng “phòng thủ” lý tưởng là động lực để doanh nghiệp thực hiện các chiến lược kinh doanh phù hợp trong mọi thời điểm.
Châu Âu đang là thị trường lớn của công ty này sẽ là điểm sáng của ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là Canada, tuy mới được khai thác nhưng cũng hứa hẹn nhiều sự phát triển mới. Còn Mỹ là thị trường truyền thống của công ty, với phân khúc các dòng sản phẩm cao cấp, luôn giữ vững sự tăng trưởng tốt qua nhiều năm.
Doanh số xuất khẩu của IDI qua các nước ASEAN trên đà tăng trưởng mạnh
Từ năm 2010, công ty đã tiên phong mở mũi thị trường Trung Quốc và cũng là doanh nghiệp chiếm thị phần cao tại đất nước tỷ dân. Còn khu vực Nam Mỹ đang chiếm thị phần lớn nhất là Mexico, kế đến là Colombia và Brazil.
Nhìn chung, cơ cấu thị trường của doanh nghiêp khá đa dạng và đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Điều này cho thấy sự sáng suốt về chiến lược phát triển các kênh tiêu thụ hàng bền vững bằng triết lý “không bỏ trứng vào một giỏ”.
Sao Mai Super Feed - sự lựa chọn thông minh
Còn hiện nay, khi đã chủ động 100% lượng nguyên liệu sản xuất kể cả chi phối nguồn cá giống với giá cả phù hợp, cùng chiến lược phát triển thị trường linh hoạt, công ty TOP 3 ấy đang hướng đến trở thành “chú ngựa ô” ở ngành hàng chế biến và xuất khẩu cá tra.
Sau 2 năm bị Covid hoành hành, thủy sản Việt Nam sẽ có một năm “bật xanh” tăng trưởng, với những nỗ lực của doanh nghiệp thoát dịch ngoạn mục.
Hải Yến
Nguồn: Theo BÁO SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết