Chú trọng chất lượng nguồn giống thủy sản

Adv thuysan247
Ngành thủy sản đang dần khẳng định vị trí chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đẩy mạnh khai thác, tỉnh đã quan tâm đầu tư nhằm chủ động nguồn giống nuôi chất lượng cao, phục vụ nuôi trồng, phát triển thủy sản bền vững.

Chuyên gia Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh thử nghiệm con giống chịu nhiệt độ thấp, phù hợp với khí hậu mùa đông của khu vực miền Bắc.

Ngành thủy sản đang dần khẳng định vị trí chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đẩy mạnh khai thác, tỉnh đã quan tâm đầu tư nhằm chủ động nguồn giống nuôi chất lượng cao, phục vụ nuôi trồng, phát triển thủy sản bền vững.

thuysan247.com

Hiện trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, trong đó có 4 cơ sở chủ yếu sản xuất ương dưỡng giống nước ngọt, 14 cơ sở chủ yếu sản xuất, ương dưỡng giống mặn lợ. Giống thủy sản mặn lợ như tôm, nhuyễn thể, cá biển… đáp ứng trên 30% nhu cầu cho người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh; thủy sản giống nước ngọt như các loài cá trắm, chép, mè, trôi… đáp ứng được trên 95% nhu cầu giống thả nuôi. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hàng năm, nhu cầu về giống thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 5 tỷ con các loại. Trong đó, tập trung lớn là giống nhuyễn thể, khoảng 2,5 tỷ con; tôm thẻ chân trắng trên 1,5 tỷ con… Con giống trong nuôi trồng thủy sản có vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi trồng.

Để hướng tới chủ động về số lượng, quản lý chặt chẽ về chất lượng con giống, tỉnh đã quan tâm đầu tư, thu hút đầu tư trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Nổi bật là Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh, đơn vị tiên phong đầu tư dự án Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Đầm Hà, với các phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, Tập đoàn Việt - Úc đã hoàn thiện giai đoạn 1 dự án gồm khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con giống/năm; khu nhà sản xuất tảo, khu sản xuất thức ăn tươi sống Artemia, phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế; hệ thống lọc nước tự động hiện đại nhất thế giới… vào vận hành phục vụ cho việc sản xuất giống tại Quảng Ninh.

Theo kế hoạch, năm 2022 Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh phấn đấu sản xuất đạt 1,5 tỷ con giống thủy sản, tăng 50% so với năm 2021. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 2/2022, Công ty sẽ xuất khoảng 50 triệu con giống tôm phục vụ nhu cầu nuôi tôm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hoàn thành đầu tư xây dựng vùng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn, công suất 1,5 tỷ con giống/năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh cung ứng con giống thủy sản cho Quảng Ninh trong việc giám sát, quản lý chất lượng giống từ khâu sản xuất đến lưu thông thị trường; cung cấp thông tin các cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống để người dân biết, lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh những thuận lợi, việc cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế. Theo phân tích của Sở NN&PTNT, thực tế do đặc thù về khí hậu thời tiết có mùa đông lạnh, nên chi phí phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao, ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất và giảm sức cạnh tranh đối với các cơ sở đặt tại các địa điểm có điều kiện khí hậu thuận lợi ở khu vực miền Trung, miền Nam. Người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt nên còn tình trạng sử dụng con giống giá rẻ, trôi nổi; việc kiểm soát con giống từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh còn hạn chế, nên tình trạng con giống kém chất lượng đưa vào sản xuất vẫn còn diễn ra…

Nhằm khắc phục tình trạng này, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn đang từng bước đầu tư nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống. Theo ông Phan Văn Lịch, cán bộ kỹ thuật, Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh, con tôm giống của công ty ngay từ đầu đã chú trọng về tăng trưởng, tỷ lệ sống, sức đề kháng, khả năng sinh sản… phù hợp với nhu cầu sản xuất và đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Trong đó, khả năng thích nghi tốt với điều kiện “nhiệt độ thấp và độ mặn thấp” luôn được quan tâm nghiên cứu để tiếp tục nâng cao hơn nữa.

Cụ thể, bằng việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc, công ty đã cho ra những lứa con tôm bố mẹ (tôm giống) giữ được những tính trạng thích nghi tốt với khí hậu lạnh, phù hợp với thời tiết mùa đông của miền Bắc. Trong năm 2021, Công ty bắt đầu đưa ra thị trường giống tôm mới là VUS LEADER 21 có tốc độ tăng trưởng cao hơn 10%, sức đề kháng mạnh hơn để phù hợp với điều kiện môi trường. Đồng thời, một giống tôm khác nổi trội về chống chịu lạnh, phù hợp nuôi trong khí hậu lạnh của mùa đông tại Quảng Ninh được thử nghiệm từ tháng 11/2021, dự kiến đưa ra thị trường vào cuối năm 2022.

Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 tiến hành nghiên cứu, phục tráng một số nguồn gen của các loài thủy, hải sản đặc trưng trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho bà con và thả về tự nhiên góp phần tái tạo nguồn lợi ở một số vùng sinh thái như: Cà ra, ngao giá, cá chim vây vàng… Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất ương dưỡng, sử dụng con giống thủy sản theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc mua, bán sử dụng con giống không có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là con giống đưa từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Theo BÁO QUẢNG NINH
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết