Dù hưởng nhiều ưu đãi thuế quan nhưng thủy sản Việt Nam vẫn đang trầy trật cạnh tranh để mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường khối thị trường RCEP.
Yếu thế về giá
Giá cao đang là điểm yếu của thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực). Chia sẻ về điều này, bà Trần Lê Dung – Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia - cho hay: Trên thị trường Malaysia, giá thủy sản của Việt Nam đang cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan. Thực tế, Thương vụ Việt Nam đã kết nối doanh nghiệp trong nước với đối tác có nhu cầu nhập khẩu cá khô, cá ngừ nhưng giao dịch không thành cũng bởi giá.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, điều này khá đáng tiếc. Bởi lẽ, Malaysia tuy quy mô dân số không lớn nhưng là quốc gia đạo Hồi, nhu cầu tiêu dùng thủy sản khá cao. Mặt khác, Malaysia không chỉ là thành viên của RCEP mà còn tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, thâm nhập được vào thị trường này thủy sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường khác.
Yếu tố giá đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thủy sản
Cũng cho hay giá là điểm khó nhất để thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu, bà Lê Thị Phương Hoa - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào - nêu: Theo khảo sát của thương vụ, trên thị trường Lào một số thủy, hải sản đang bán với giá khá hợp lý: Tôm sú nhỏ loại 30 con/kg gần 300 nghìn đồng, mực trắng loại 5 con/kg có giá 190 nghìn đồng. "Hầu hết những sản phẩm này bày bán tại các chợ của Lào là hàng Thái Lan" - bà Lê Thị Phương Hoa thông tin thêm.
Theo nhận định chung của nhiều đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường khối RCEP, chi phí vận chuyển tăng cao đột biến trong hơn 2 năm trở lại đây là nguyên nhân khiến thủy sản Việt Nam bị đội giá xuất khẩu. Hơn nữa, với một số thị trường khoảng cách địa lý xa, không thuận lợi trong vận chuyển cũng khiến hàng thủy sản kém cạnh tranh. Dù là nguyên nhân nào đi nữa, yếu tố giá đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan, mở rộng thị phần, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm
Hiệp định RCEP với 15 thành viên, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mở ra cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam. Nhiều thị trường trong khối có nhu cầu thực sự cao đối với mặt hàng thủy, hải sản.
Trung Quốc là điển hình, sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt trong nước của Trung Quốc hiện đạt 64 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu dùng lên tới 67,3 triệu tấn/năm, quốc gia này đang nhập khẩu lượng lớn thủy sản mỗi năm.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm nay có sự khởi sắc đáng kể, chủ yếu gồm cá tra, cá basa, tôm đông lạnh, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nông Đức Lai - Trưởng chi nhánh Quảng Châu, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc - nhấn mạnh: Với quy mô thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên còn nhiều dư địa cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường tỷ dân này.
Australia cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng, bà Nguyễn Thu Hường - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho hay: Năm 2021 Việt Nam đã "soán ngôi" Trung Quốc trở thành đối tác số 1 xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch trên 184,4 triệu USD. "Tôi khẳng định Việt Nam còn cơ hội mở rộng xuất khẩu thủy sản sang Australia. Nguyên do, hai quốc gia là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do. Tiêu dùng thủy sản tại Australia có xu hướng tăng, hiện ở mức 15kg/người/năm. Australia đang gia tăng nhập khẩu thủy sản từ châu Á để phục vụ tiêu dùng trong nước" - bà Nguyễn Thu Hường nói.
Dù có khả năng mở rộng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu sang thị trường RCEP, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo: Doanh nghiệp trong nước cần tối ưu hóa sản xuất, tìm cách hạ chi phí vận chuyển để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Doanh nghiệp đầu tư đúng mức cho chất lượng sản phẩm thông qua việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về hàng hóa, mẫu mã, bao bì… "Các cơ quan chức năng trong nước giám sát chặt chẽ chất lượng thủy sản xuất khẩu. Nếu không kiểm soát được, hàng hóa sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy chi phí phát sinh là rất lớn" - ông Nông Đức Lai khuyến cáo.
Hạ giá thành sản phẩm, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng cường xúc tiến thương mại để nhận diện hàng hóa là yếu tố cần thiết giúp thủy sản Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường khối RCEP.
Việt Nga
Nguồn: Theo https://congthuong.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết