Thả nuôi cầm chừng
Gần đây, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ao đìa, lồng bè trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp bất lợi do thời tiết nắng nóng gay gắt. Với thực trạng này, Chi cục Thủy sản đã có những khuyến cáo cụ thể cho người nuôi.
Thả nuôi cầm chừng
Tuy đang trong thời gian chính vụ NTTS nhưng do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, các yếu tố môi trường vùng nuôi không tốt nên các hộ nuôi tôm hùm lồng, cá biển trên địa bàn huyện Vạn Ninh chỉ thả nuôi cầm chừng. Ông Nguyễn Ngọc Trường - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Vạn Ninh cho biết: “Cao điểm toàn huyện có khoảng 39.900 lồng nuôi thủy sản nhưng hiện nay, người dân chỉ mới thả nuôi 9.674 lồng tôm hùm và 627 lồng nuôi cá biển, còn lại hơn 29.600 lồng chưa được thả nuôi. Hiện nay, người dân chủ yếu tập trung chăm sóc cho tôm, cá nuôi trước đó và tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ”.
Người dân thị xã Ninh Hòa kiểm tra, tăng cường quạt nước cho ao nuôi tôm khi thời tiết nắng nóng. |
Tại các vùng nuôi tôm nước lợ, ốc hương của huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, người nuôi cũng đang phập phồng lo lắng bởi tôm, ốc chậm lớn. Thậm chí nhiều hộ thả nuôi tôm mới 20 ngày đã bị chết yểu. Vì vậy, nhiều hộ nuôi đành treo ao chờ thời tiết thuận lợi mới tiếp tục thả giống.
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, gần đây thời tiết nắng nóng gay gắt, có lúc xuất hiện mưa giông, gây nên nhiều bất lợi cho NTTS trên địa bàn tỉnh. Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe thủy sản nuôi tại các vùng nuôi tôm nước lợ, nhuyễn thể và tôm hùm thời gian qua cho thấy, nhiệt độ nước trong các ao nuôi, đầm vịnh tăng cao hơn 330C, kéo dài từ 13 giờ đến 15 giờ hàng ngày. Các yếu tố môi trường vùng nuôi có sự biến động lớn, như hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm cục bộ, hàm lượng nitơ tăng mạnh, mật độ vi khuẩn vibrio và tảo độc tăng cao, nhất là thời điểm giao mùa. Đây cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi. Để ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất và tháo gỡ khó khăn cho người dân nhằm đảm bảo kế hoạch NTTS năm 2022, Chi cục Thủy sản đã có công văn đề nghị các địa phương hướng dẫn người NTTS các biện pháp tăng cường quản lý, xử lý môi trường nhằm bảo vệ thủy sản nuôi, hạn chế thiệt hại do thời tiết nắng nóng gây ra.
Những khuyến cáo
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, đối với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong ao đìa nước lợ, người nuôi cần theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời. Người dân cần thả nuôi tôm đúng khung thời vụ, tuân thủ các hướng dẫn sản xuất; trong quá trình nuôi cần chuẩn bị kỹ ao nuôi từ khâu vệ sinh, sát trùng ao; lựa chọn con giống khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch, thả giống mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi; định kỳ thu mẫu tôm và mẫu nước để kiểm tra, khi phát hiện tôm có biểu hiện bất thường hay nhiễm các loại bệnh cần báo với các cơ quan quản lý tại địa phương để được hướng dẫn xử lý theo quy định.
Đối với các vùng nuôi tôm hùm lồng, người dân lưu ý cần đăng ký để được cấp phép nuôi đúng quy định; tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả những nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến vùng nuôi. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường, người nuôi cần tuân thủ hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời; không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi khác. Người nuôi cần thả tôm hùm giống có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch, đặt lồng nuôi tôm hùm ở giữa cột nước, cách đáy khoảng 2m và cách bề mặt nước khoảng 2m để giảm thiểu việc thiếu oxy cục bộ. Người nuôi cần vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng cường trao đổi nước bên trong và bên ngoài lồng; sử dụng lưới che để giảm ánh sáng trực tiếp vào lồng nuôi; thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, sự phân tầng nước tại vùng nuôi để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, quản lý cho phù hợp. Trong những ngày thời tiết bất thường, người nuôi cần giảm 50-70% lượng thức ăn cho tôm hùm để hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường. Trong điều kiện tiêu thụ khó khăn, người nuôi tôm cũng cần theo dõi sát thông tin thị trường để thu hoạch, tham gia các chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc để tiêu thụ thuận lợi hơn.
Trong khi đó, các hộ nuôi nhuyễn thể cần tuân thủ những quy định quản lý vùng nuôi của địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước làm ảnh hưởng đến vùng nhuyễn thể. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước, khi phát hiện nhuyễn thể nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời; khuyến cáo người nuôi không nên thả giống khi điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi và yếu tố môi trường chưa phù hợp…
HẢI LĂNG
Nguồn: Theo https://baokhanhhoa.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết