HTX thủy sản vượt khó, hướng đến phát triển bền vững

Adv thuysan247
Với lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện cùng hệ thống sông, hồ nhân tạo khác, các HTX thủy sản thuộc vùng Tây Bắc đang có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các HTX rất cần sự định hướng, hỗ trợ của các ngành chuyên môn.

Với lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện cùng hệ thống sông, hồ nhân tạo khác, các HTX thủy sản thuộc vùng Tây Bắc đang có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các HTX rất cần sự định hướng, hỗ trợ của các ngành chuyên môn.

thuysan247.com

HTX dịch vụ tổng hợp Vĩnh Kiên (Yên Bình, Yên Bái) có 130 lồng nuôi với đa dạng các loại cá như: Cá lăng, cá trắm đen, diêu hồng, cá rô… Sản lượng thủy sản đạt gần 100 tấn trong năm 2021 với doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Vẫn còn những trở ngại

Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, HTX mong muốn mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân trong vùng để mở rộng quy mô thêm hàng trăm lồng nuôi cá, đáp ứng chất lượng sản phẩm và nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất đòi hỏi các thành viên phải có thêm nguồn vốn, nắm vững các kỹ thuật nhằm hạn chế chi phí. Trong khi hiện nay, nguồn vốn đầu tư các lồng nuôi, giống không hề nhỏ, và các thành viên dù đã được bổ sung kiến thức nhưng chưa thể theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ.

Khu lồng nuôi cá của HTX thủy sản Long Vũ.

Bên cạnh đó, hệ thống lồng nuôi thủy sản của HTX được làm bằng vật liệu khung thép, lưới cước và hệ thống phao từ các thùng phi sắt và nhựa. Qua thời gian, lồng nuôi bị gỉ sét phải mất công sửa chữa vừa tốn kém, lại khó khắc phục. Mỗi khi sửa chữa phải tạm ngừng nuôi để trục vớt lên bờ làm gián đoạn sản xuất, tốn kém thời gian, chi phí.

Do vậy, HTX mong muốn được cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật để đầu tư lồng nuôi cá công nghệ mới.

Còn tại HTX thủy sản Hồ Quỳnh (Quỳnh Nhai, Sơn La), dù được đánh giá là một trong những mô hình có nhiều tiềm năng phát triển theo chuỗi nhưng các thành viên cũng gặp không ít khó khăn.

Cụ thể là trên địa bàn huyện, tỉnh chưa có cơ sở sản xuất cá giống bảo đảm chất lượng nên HTX phải nhập từ nơi khác về với chi phí cao. Nguồn thức ăn chủ yếu sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương nên năng suất thấp. Ðặc biệt, việc quản lý chất thải, thức ăn cho thủy sản vẫn chưa chặt chẽ, mật độ nuôi chưa phù hợp nên gây áp lực cho môi trường về lâu dài.

Khu vực nuôi trồng của HTX Vĩnh Kiên.

Có thể thấy, nuôi thủy sản theo hình thức lồng bè đang phát triển mạnh ở một số tỉnh thành khu vực Tây Bắc như Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình… Chỉ tính riêng tại Sơn La đã có 73 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, với gần 10.000 lồng nuôi cá các loại trên lòng hồ thủy điện.

Hoạt động sản xuất này không chỉ tận dụng được tiềm năng thế mạnh của địa phương mà còn khẳng định vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX cũng như vai trò của các chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), nuôi trồng thủy sản theo hình thức lồng bè dù phát triển và mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội nhưng trong quá trình sản xuất, các HTX vẫn gặp những bất cập, khó khăn do phần lớn các HTX thủy sản phát triển theo một cách tự phát, không theo quy hoạch, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên dễ bị thương lái ép giá, hiệu quả chưa cao.

Người nuôi chưa nhận thức được sản xuất nuôi cá lồng thành đối tượng hàng hóa. Một số HTX còn thiếu vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư con giống, thức ăn vào chăn nuôi. Việc lập sổ sách ghi chép còn hạn chế do đó chưa hạch toán được giá thành cá nuôi, nên việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất bán cá đã đến kỳ thu hoạch tại các lồng nuôi, dẫn đến giá cá giảm, người dân khó có vốn tái đầu tư nuôi.

Nâng cao năng lực cho HTX

Để tháo gỡ những khó khăn cho các HTX nuôi trồng thủy sản, Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác đã cùng các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Thông qua đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nguồn thức ăn nuôi cá lồng bè của các HTX khu vực Tây Bắc” do bà Nguyễn Thùy Linh làm chủ nhiệm, đã có 7 HTX thủy sản nuôi cá lồng bè tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái được hỗ trợ và định hướng sản xuất theo hướng bền vững.

Cụ thể là các mô hình của: HTX thủy sản Hồ Quỳnh (Sơn La), HTX Hùng Hà (Lai Châu), HTX chuyên chở hành khách dịch vụ du lịch Thái Thịnh, HTX vận tải hàng hóa du lịch sông Đà, HTX Nông lâm thủy sản vận tải và du lịch Tiền Phong (Hòa Bình), HTX thủy sản Long Vũ (Lai Châu), HTX Dịch vụ tổng hợp Vĩnh Kiên (Yên Bái).

Để nâng cao năng lực của các HTX, Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác đã tổ chức 5 lớp tập huấn về các kỹ thuật mới áp dụng trong nuôi cá lồng bè nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian 1 ngày với 30 thành viên HTX trên địa bàn các tỉnh có HTX được hỗ trợ tham gia dự án.

Các HTX cũng được giới thiệu kỹ thuật mới áp dụng trong nuôi cá lồng bè nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tăng năng suất, phát triển ngành nuôi cá một cách bền vững cho thành viên và người lao động của các HTX trên địa bàn tỉnh.

Ông Lâm Đức Độ, Giám đốc HTX Hồ Quỳnh cho biết, thông qua các lớp tập huấn, các thành viên đã nắm được các kỹ thuật quản lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc cá nuôi đảm bảo chất lượng tốt. Các kỹ thuật nuôi thủy sản cũng được từng thành viên, người lao động thực hiện đúng quy chuẩn đã được tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Không chỉ nâng cao kỹ thuật, Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác đã hỗ trợ các HTX 14 máy cho cá ăn tự động, 8 lồng nuôi cá HDPE công nghệ Na Uy, Hệ thống khung lồng nhựa: 1 khung 2 vành; Túi lưới: chất liệu Polyetylen, lưới dệt không gút nhuộm chống rêu; Dây neo: chất liệu polyetylen…

Các lớp tập huấn giúp HTX nắm vững quy trình sản xuất thủy sản bền vững, từ đó áp dụng hiệu quả kiến thức vào sản xuất.

Ban giám đốc HTX Vĩnh Kiên cho biết, lồng nuôi cá bằng ống nhựa HDPE có độ kín nước và kín hơi cao; có tuổi thọ lớn khi sử dụng vì không bị ăn mòn, gỉ sét, lại có giá thành rẻ hơn các loại khác. Ngoài việc hỗ trợ từ Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác, sau này, nếu HTX tiếp tục đầu tư cũng sẽ giảm thiểu được các chi phí nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố về môi trường.

Bên cạnh đó, một số HTX hiện đã có kiến thức và có ý thức hơn trong việc nuôi cá, cho cá ăn bằng máy cho ăn tự động, đúng liều lượng, đúng giờ giúp cho lượng thức ăn dư thừa khi cho cá ăn được giảm xuống, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, thông qua sự hỗ trợ của Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác, các chỉ số về ô nhiễm môi nước nuôi cá của các HTX đã được cải thiện, thấp hơn so với lúc trước khi được hỗ trợ. Các chỉ số ô nhiễm đã giảm đáng kể như chỉ số COD, BOD đã thấp dưới ngưỡng cho phép.

Lớp tập huấn tại HTX Hồ Quỳnh, Sơn La.

Có thể thấy, sự hỗ trợ của Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác đã giúp các nghiên cứu khoa học được đi vào thực tiễn, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của HTX. Bên cạnh đó, tạo được niềm tin, thu hút được sự tham gia của nhiều người nông dân bằng việc phát triển, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả trong thời kỳ hội nhập.

"Nhìn chung, các nội dung hỗ trợ đều được các HTX đánh giá là rất thiết thực, giúp HTX nâng cao năng lực quản lý và điều hành, xử lý ô nhiễm môi trường. Những nội dung đó đã giúp HTX có thêm kiến thức về xử lý ô nhiễm môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường. Tạo động lực cho các HTX sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho thành viên HTX, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc trong vùng", bà Nguyễn Thùy Linh nói.

Huyền Trang

Nguồn: Theo https://vnbusiness.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết