Người dân xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp tuần hoàn khép kín thích ứng với biến đổi khí hậu
Thời tiết, khí hậu cực đoan như bão, lũ lụt, nhiệt độ tăng cao về mùa hè, hạ thấp về mùa đông đã trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các đối tượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương ven biển.
Vùng triều tỉnh Thanh Hóa có khoảng 8.000 ha mặt nước trải dài trên địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn. Để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng triều, các địa phương ven biển đã khai thác, phát triển nhanh cả về diện tích và sản lượng trong NTTS. Nhiều diện tích nuôi trồng được đầu tư mở rộng diện tích, chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, ngao… Đến nay, diện tích vùng triều đã đưa vào NTTS đạt 5.354 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm 4.084 ha; diện tích nuôi ngao, cá biển 1.270 ha.
Thời gian qua, do những yếu tố bất thường của thời tiết, chủ yếu là thời tiết nắng nóng kéo dài, diễn biến thời tiết bất thường làm biến động các yếu tố môi trường gây ảnh hưởng đến NTTS. Trong năm 2021, ở các địa phương ven biển liên tiếp xảy ra tình trạng cá, tôm và ngao nuôi chết. Điển hình, như tại khu vực biển thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương, cá tự nhiên chết khoảng 5,1 tấn; cá nuôi lồng trên xã đảo Nghi Sơn và sông Lạch Bạng chết; ngao nuôi tại các phường Hải Ninh và Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) bị chết với tỷ lệ khoảng 20 - 25%; tôm nuôi công nghiệp tập trung trên địa bàn xã Quảng Nham (Quảng Xương) bị chết với diện tích khoảng 3 ha, số lượng tôm chết khoảng 10 triệu con. Trong những tháng đầu năm 2022, tại các xã Hải Lộc và Đa Lộc (Hậu Lộc) đã xảy ra hiện tượng ngao nuôi của 176 hộ nuôi, tổng diện tích 350 ha ngao bị chết, với tỷ lệ chết từ 5 - 30%. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, nhất là sự gia tăng nhiệt độ và mưa sẽ tác động lớn đến hoạt động NTTS ở các địa phương ven biển của tỉnh, ngoài ra nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại cây cỏ thủy sinh trong ao nuôi bị chết và phân hủy nhanh. Đây là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong, đục của nước trong ao. Những yếu tố môi trường nuôi càng thay đổi giảm đột ngột hơn khi xuất hiện những trận mưa trái vụ hay những cơn mưa đầu mùa. Nước mưa cuốn trôi phèn từ bờ xuống ao nuôi làm PH giảm thấp, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dẫn đến hiện tượng các đối tượng NTTS chết do bị sốc nhiệt hoặc yếu đi, mất khả năng đề kháng, dễ mắc bệnh.
Trước thực trạng trên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, các cơ sở, hộ NTTS tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn đã ứng dụng công nghệ nuôi tôm tuần hoàn tiết kiệm nước, công nghệ nuôi tôm Biofloc, nuôi tôm tuần hoàn khép kín, nuôi tôm trong nhà kính; nuôi tôm trong nhà bạt vụ đông, nuôi cá biển bằng lồng lưới nổi hoàn toàn kiểu trọng lực làm bằng chất dẻo do Na Uy sản xuất… Cùng với đổi mới công nghệ, các địa phương thực hiện đa dạng sản xuất, đưa các loài giống có khả năng chịu mặn và hạn phù hợp vào nuôi trồng. Quy hoạch vùng nuôi phù hợp cũng có thể tránh được hiện tượng hạn hán kéo dài, mưa lũ, nước biển dâng, nồng độ muối trong ao nuôi tăng hoặc giảm quá mức. Gia cố (tăng chiều cao) của ao đầm nuôi tại khu vực ven biển trong giới hạn có thể. Nâng cấp các công trình thủy lợi, trồng và bảo vệ rừng ngặp mặn, khôi phục hệ sinh thái ở vùng cửa sông, ven biển.
Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, cho biết: Biến đổi khí hậu có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến NTTS, nhất là vùng ven biển về các vấn đề, như các đối tượng nuôi suy giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh, hư hỏng cơ sở hạ tầng, thất thoát vật nuôi, thay đổi năng suất, sản lượng, chi phí sản xuất, thu nhập của cộng đồng người nuôi và tác động lên các hệ sinh thái vùng ven biển. Vì vậy, việc xây dựng các giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu trong NTTS ven biển có thể là các giải pháp kỹ thuật cải tiến, giảm sử dụng hóa chất, thức ăn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến việc giám sát và quản lý môi trường ao nuôi, thay thế nguồn năng lượng sử dụng trong ao nuôi để thân thiện với môi trường. Quản lý hoạt động sản xuất theo liên kết chuỗi để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực của cộng đồng về thông tin thị trường, quản lý rủi ro thiên tai và nhận thức về biến đổi khí hậu cho cộng đồng.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: Theo https://baothanhhoa.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết