Thiếu hụt nguồn lao động nghề khai thác thủy sản

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Thiếu lao động vẫn đang là vấn đề lớn với ngành khai thác thủy sản ở nước ta. Theo thống kê, đến nay cả nước có khoảng 83.000 tàu cá khai thác ở nhiều nghề khác nhau.

Tình trạng thiếu lao động nghề cá diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương

Thiếu lao động vẫn đang là vấn đề lớn với ngành khai thác thủy sản ở nước ta. Theo thống kê, đến nay cả nước có khoảng 83.000 tàu cá khai thác ở nhiều nghề khác nhau.

thuysan247.com

Tuy vậy số lượng, chất lượng lao động cho nghề khai thác thủy sản trên biển đang giảm theo từng năm.

Nghề khai thác thủy sản đang bước vào giai đoạn khó khăn, đó là nhìn nhận chung của nhiều ngư dân. Nguồn lợi cạn kiệt, thiếu lao động đi biển và những quy định mới có liên quan đến hạn ngạch, giấy phép khai thác khiến một bộ phận ngư dân đang gặp khó khăn và cần tìm hướng đi mới cho mình. Phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 1.200 tàu cá của ngư dân hành nghề giã cào. Kiểu đánh bắt này làm cho sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Do đó, chính quyền tỉnh đã kêu gọi ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác mới thân thiện với môi trường. Tuy vậy, do thiếu vốn, thiếu lao động đi biển có tay nghề nên nhiều tàu đã chấp nhận nằm bờ không đi khai thác. Ông Huỳnh Văn Đàm, một ngư dân ở phường Phổ Thạnh chia sẻ: “Hiện nay, môi trường cạn kiệt, nguồn hải sản ít nên dân đi biển rất khó khăn về vấn đề chi phí”.

Lý giải về những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 4.500 tàu cá, lao động nghề cá 38.000 người. Theo tính toán, nghề khai thác biển của tỉnh đang thiếu hơn 10.000 lao động. Nguyên nhân của việc thiếu lao động là do lực lượng lao động trẻ mới không bổ sung thêm, nhất là con của những chủ tàu, được học hành, đi làm các nghề khác, không tiếp nối nghiệp biển. Thu nhập thấp từ khai thác hải sản dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ khả năng giữ chân lao động, nhiều lao động biển bỏ nghề để vào làm tại các khu công nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã có nhiều giải pháp hạn chế số lượng tàu cá đóng mới, thực hiện chuyển đổi nghề cho các tàu giã cào, tàu cá làm việc kém hiệu quả. Tuy vậy, hiệu quả của hoạt động này chưa cao”.

Nước ta đang có gần 1 triệu ngư dân đang tham gia khai thác trên biển. Tuy vậy, tình trạng thiếu lao động nghề cá diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, cơ cấu lao động của vùng Tây Nam Bộ có sự dịch chuyển theo hướng tăng ở các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của toàn vùng chưa qua đào tạo lên đến hơn 90%. Tình trạng này dẫn đến việc chủ tàu cá phải chấp nhận tìm người thông qua cò mồi, từ đó có nhiều người không hề biết nghề biển vẫn đăng ký lên tàu làm việc.

Thực tế này phản ánh những tồn tại trong nhiều năm qua của ngành khai thác thủy sản khi việc gia tăng số lượng tàu khai thác, ngành nghề đánh bắt nhưng số lượng lao động đi biển lại đang giảm đi. Nghề khai thác hải sản vất vả, thu nhập không ổn định do nguồn lợi suy giảm nên nhiều người đã bỏ nghề. Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Luật Thủy sản 2017 chính là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này. Cần thực hiện việc giảm số tàu, tăng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn, tái tạo nguồn lợi. Thực hiện các giải pháp này sẽ giúp sản lượng khai thác ổn định, giá trị hải sản và thu nhập của ngư dân tăng lên. Chúng ta phải xét lại số lượng tàu cá, phát triển theo nguồn lợi cho phép”.

Ngành khai thác thủy sản là ngành kinh tế biển quan trọng của nước ta trong nhiều năm tới. Để khắc phục những khó khăn hiện nay về lao động nghề cá, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo nghề cho lao động đi biển, ngăn chặn các hành vi lừa đảo, cò mồi lao động đi biển. Về phía các chủ tàu cá, bà con ngư dân cần nắm rõ và chấp hành quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, chính bà con ngư dân phải thấy rõ được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong hoạt động khai thác thủy sản để chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: TUẤN PHONG

Nguồn: Theo BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết