Các sản phẩm chế biến sẵn được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng. Ảnh: ST
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong năm 2023, đạt 152,35 nghìn tấn, trị giá 799,9 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với năm 2022.
Nhu cầu tiêu thụ giảm
Năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc giảm do kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm. Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nhập khẩu thủy sản của nước này trong tháng 12/2023 đạt 127,58 nghìn tấn, trị giá 542,1 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so với năm 2022. Trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất năm 2023, Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, Peru, Chile, trong khi giảm nhập khẩu từ Nga, Việt Nam, Nauy, Nhật Bản.
Trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất năm 2023, Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, Peru, Chile, trong khi giảm nhập khẩu từ Nga, Việt Nam, Nauy, Nhật Bản.
Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 14,2% trong năm 2022 xuống còn 13,5% trong năm 2023. Năm 2023, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 660 triệu USD, giảm 13% so với năm 2022. Tuy chưa thoát đà tăng trưởng âm, nhưng xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực khác.
Trong cơ cấu sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu; mực chiếm 55,4% còn lại là bạch tuộc. Giá trị xuất khẩu mực đạt 365 triệu USD, giảm 14% trong khi xuất khẩu bạch tuộc đạt 295 triệu USD, giảm 12% so với năm 2022. Trong số các sản phẩm mực xuất khẩu, giá trị xuất khẩu mực khô, nướng hay đông lạnh (mã HS 03) có mức giảm nhẹ hơn so với giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực chế biến (mã HS 16).
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 37%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này kể từ tháng 8/2023 đến hết năm ghi nhận tăng trưởng dương hoặc chỉ giảm nhẹ.
Hàn Quốc tăng nhu cầu xuất khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong khi thị trường này giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 247 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.
Khả năng phục hồi cao
Năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,3% vào năm 2024.
Theo báo cáo của USDA và GAIN, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hàn Quốc ngày càng tăng, trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu thủy sản ròng. Trong khi, người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng thủy sản tươi sống hơn là thủy sản ướp lạnh và đông lạnh. Do đó, giá thủy sản tươi sống hoặc thủy sản ướp lạnh có xu hướng đắt hơn thủy sản đông lạnh.
Tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng. Điều này bao gồm các sản phẩm thủy sản ăn liền đã qua chế biến và bộ sản phẩm nấu ăn tiện lợi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu (HMR). Xu hướng tiện lợi này gia tăng là do tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới ngày càng tăng. Các sản phẩm chế biến sẵn giúp đơn giản hóa việc xử lý nguyên liệu và giảm thiểu mùi tanh trong quá trình chế biến.
Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.
Theo đó, để có thể “tăng tốc” xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Hàn Quốc, cũng như chinh phục được người tiêu dùng ở thị trường này, các sản phẩm cần phải đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị; có sự ổn định trong sản xuất, chế biến, lưu thông; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông; nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng… Điểm đặc biệt nhấn mạnh là chữ tín trong cam kết khi các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam làm việc với nhau. Khi có chữ tín, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán thuận lợi, giữ được đơn hàng dài lâu.
Anh Vũ
Nguồn: Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết