Thủy sản thế giới trước bối cảnh “phi toàn cầu hóa”

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Ngành thủy sản sắp bước sang một giai đoạn mới trong xu hướng “phi toàn cầu hóa” đang trỗi dậy mạnh mẽ. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức vẫn đan xen.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản “đứng ngồi không yên” vì cước phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ. Ảnh: a

Ngành thủy sản sắp bước sang một giai đoạn mới trong xu hướng “phi toàn cầu hóa” đang trỗi dậy mạnh mẽ. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức vẫn đan xen.

thuysan247.com

Tác động từ những căng thẳng chính trị, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch COVID-19 tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến ngành thủy sản toàn cầu, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. 

Năm 2023, xảy ra nhiều sự kiện chấn động làm đứt gãy các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu. Bất chấp quyết định gia hạn lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nga của Mỹ và lời kêu gọi doanh nghiệp rút khỏi Nga, nhiều công ty tại thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu… vẫn tiếp tục giao thương với quốc gia này. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng, Nga vẫn nhập – xuất khẩu hàng hóa với nhiều quốc gia khác qua các tuyến đường vòng. Trong năm 2023, Nga ghi nhận nhiều thành quả lớn của ngành thủy sản khi vụ cá hồi bội thu 609.000 tấn, nhờ đó sản lượng trứng cá hồi muối tăng gấp 2 lần so với năm trước, đạt mức 34.700 tấn. Những nỗ lực của các nước trong việc cô lập Nga đã cho thấy nhiều điểm yếu của chuỗi cung ứng thủy sản thế giới.

Tắc nghẽn hành lang thương mại quan trọng tại kênh đào Panama và Suez, việc các nước đóng cửa biên giới các nước vì đại dịch và cuộc chiến tranh thảm khốc ở Ukraine đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quan trọng của thế giới, khiến cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp buộc phải vẽ lại bản đồ thương mại mà họ phát triển trong suốt nhiều thập kỷ qua. Những thay đổi đột ngột của dòng hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ gây ra những thách thức lớn cho các hãng vận tải biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương quốc tế trong năm 2024. 

Cùng với đó, các nhà nhập khẩu ngày càng rời xa thị trường Trung Quốc và tìm đến các nhà cung cấp thay thế khác như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico. Dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi, các hãng vận tải biển cũng đang chuyển hướng lộ trình. 

Nếu như từ đầu những năm 2000, “phi toàn cầu hóa” được xem là một giả thuyết, thì đến nay dường như xu hướng này đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Theo đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày càng được củng cố, nhiều tiêu chuẩn và quy định mới được dựng lên liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước tăng mức thuế quan để tính đến các chi phí về môi trường và xã hội, áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, nhằm giảm ảnh hưởng của tài chính đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng trở nên rõ nét hơn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của các thị trường. 

Theo nhà kinh tế học Jacques Sapir, Giám đốc nghiên cứu tại Trường l’École des Hautes Études en Sciences Sociales (EHESS), việc quay trở lại giao thương theo các khối, thế giới sẽ phân khúc theo nhóm các nước hợp tác riêng với nhau có thể trở thành xu hướng phát triển trong những năm tới; tức là một thế giới đa cực có thể sẽ được hình thành trong bối cảnh “phi toàn cầu hóa” đang diễn ra. 

Ngọc Minh

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết