Ngành thủy sản triển khai chiến lược xuất khẩu năm 2024

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Dù có dấu hiệu phục hồi nhẹ, song nhiều doanh nghiệp thủy sản không dám lơ là khi khó khăn vẫn còn đó.

Dù có dấu hiệu phục hồi nhẹ, song nhiều doanh nghiệp thủy sản không dám lơ là khi khó khăn vẫn còn đó.

thuysan247.com

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với những tín hiệu từ cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc… có khả năng phục hồi trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.

Bà Thanh Hiếu, đại diện Công ty TNHH Thanh Hiếu Foodstuff (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, với các mặt hàng chế biến chính như cá tra, cá rô phi đen, cá basa… Thanh Hiếu Foodstuff chuyên xuất khẩu qua các thị trường Trung Đông, châu Phi và một số nước châu Á.

Từ cuối năm 2023, thị trường Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi mạnh nhất. Đây cũng là thị trường khá thuận lợi cho doanh nghiệp Việt nhờ vị trí địa lý tiếp giáp, giúp quá trình giao vận nhanh chóng, tiết kiệm hơn.

Chính vì vậy, trong năm 2024, Thanh Hiếu Foodstuff sẽ nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều khách hàng tại Trung Quốc. Tại các thị trường khác, Thanh Hiếu Foodstuff cũng tiếp tục duy trì kết nối giao thương với các khách hàng cũ, giữ vững uy tín và kết nối với khách hàng mới trong khả năng.

Tín hiệu tương tự cũng được đưa ra từ CTCP Vĩnh Hoàn. Theo bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Vĩnh Hoàn, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, vào tháng 11/2023, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%, càng tạo thuận lợi cho cá tra của Việt Nam (theo lộ trình giảm thuế của EVFTA, các sản phẩm cá tra xuất khẩu vào EU được giảm thuế về 0% sau 3 năm khi EVFTA có hiệu lực).

Bên cạnh đó, bà Thư cũng cho biết, năm 2024, nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Trung Quốc cũng phục hồi khi sản phẩm này được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại các hệ thống nhà hàng, quán ăn.

Tuy nhiên, khó khăn là từ đầu năm 2024, cước vận tải biển đi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó.

Ông Phạm Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tanis cho biết, với thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp ở châu Âu và phải chịu một phần cước phí, nên Tanis đang gặp khó khăn khi chi phí vận tải đội lên cao. Hiện giá cước này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến khách hàng tại thị trường châu Âu cũng phần nào dè chừng hơn.

Để ứng phó, ông Tài cho hay, Tanis đã tối ưu quy trình sản xuất, sản phẩm đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ASC, BRC… Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm thủy - hải sản của Tanis còn đạt tiêu chuẩn Halal để có thể phục vụ thị trường Hồi giáo.

“Thị trường cho người Hồi giáo là một thị trường lớn, còn nhiều dư địa để khai thác, lại không có biến động về cước vận tải biển, nên chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, ông Tài nói.

Tương tự, Công ty TNHH Chế biến thủy sản Đức Danh cũng gặp khó khăn khi giá cước vận tải biển tăng vọt. Đại diện công ty này cho biết, để ứng phó, Đức Danh chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, nhất là tại châu Á với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản…

“Hiện chúng tôi có nhà máy chế biến với diện tích 10.000 m2, cùng đội ngũ công nhân lành nghề, quy trình chế biến, sản xuất khép kín, thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, HACCP-021-22. Đây là cơ sở vững chắc để Đức Danh ngày càng mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”, ông Cao Văn Tuyến, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Được biết, mới đây, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam, để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm, chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tại kỳ rà soát trong năm 2024.

VASEP cho rằng, cần có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá cả nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm.

Bên cạnh đó, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo hai việc quan trọng là thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương và có kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản, làm tiền đề cho phát triển nghề cá bền vững và kinh tế biển.

Nguyễn Ngân

Nguồn: Theo BÁO ĐẦU TƯ
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết