Sóc Trăng: Khuyến cáo phòng trị bệnh phân trắng trên tôm

Adv thuysan247
Hiện nay đang trong mùa mưa, tình hình thời tiết trong ngày hay thay đổi bất thường dẫn đến các yếu tố môi trường trong ao nuôi dễ bị biến động làm cho tôm nuôi dễ bị phát sinh các mầm bệnh, trong đó điển hình là bệnh phân trắng trên tôm.

Các yếu tố môi trường trong ao nuôi biến động rất dễ phát sinh mầm bệnh.

Hiện nay đang trong mùa mưa, tình hình thời tiết trong ngày hay thay đổi bất thường dẫn đến các yếu tố môi trường trong ao nuôi dễ bị biến động làm cho tôm nuôi dễ bị phát sinh các mầm bệnh, trong đó điển hình là bệnh phân trắng trên tôm.

thuysan247.com

Theo Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, hiện nay có ít nhất 20ha tôm nuôi bị bệnh phân trắng, gây thiệt hại cho người nuôi tôm, nhất là trong giai đoạn giá tôm thấp như hiện nay. Ngành chuyên môn nhận định, có nhiều tác nhân và nguyên nhân gây ra bệnh nhưng thường gặp có thể là do ký sinh trùng đường ruột (trùng 2 tế bào Gregarine, vi bào tử trùng-EHP), do các dòng vi khuẩn Vibrio quá cao trong nước và trong đường ruột tôm hoặc do tôm ăn nhiều tảo độc. Đồng thời, cũng có nhiều nguyên nhân trong quá trình nuôi dẫn đến bệnh phân trắng phát sinh như: môi trường hay thay đổi, tôm bị stress, nuôi tôm với mật độ dày, dư thừa thức ăn, tích tụ nhiều chất hữu cơ trong ao, mật số vi khuẩn vibrio trong ao quá cao…

Trong thực tế, một số ao thường hay bị phân trắng khi trong nền đáy ao (ao đất) xuất hiện nhiều nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như hến con, chem chép con, hàu con hay trong ao lót bạt xuất hiện nhiều rong nhớt đóng trên bạt, khi đó tôm sẽ ăn những con nhuyễn thể đó hoặc rong bạt dẫn đến hư đường ruột, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến bệnh phân trắng.

Theo ThS. Võ Quốc Hào – cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, bệnh phân trắng thường gặp ở giai đoạn tôm 30 - 50 ngày tuổi, khi tôm đã mắc bệnh thì người nuôi có thể nhận biết được qua dấu hiệu bệnh lý như: xuất hiện nhiều khúc phân trắng (bông bần) nổi lên ở các góc ao, tôm giảm ăn, tôm bơi lội còn dính khúc phân, đường ruột tôm có màu trắng, nặng hơn thì gan tụy sưng phồng và nhợt nhạt màu.

Để phòng bệnh phân trắng, cần quản lý các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong… luôn nằm trong ngưỡng thích hợp. Khi trời mưa dầm, thời tiết lạnh nên cắt cữ ăn hoặc giảm ăn 30 - 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa thức ăn, dơ đáy ao, tăng cường chạy quạt đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trên 5mg/lít. Định kỳ 2 lần/tuần kiểm tra và khống chế mật số vi khuẩn có hại (khuẩn Vibrio) trong ao nuôi, khống chế < 500 CFU/ml. Thường xuyên theo dõi biểu hiện bên ngoài của tôm như ruột lỏng, ruột đứt khúc, đuôi phân trắng… để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Định kỳ có thể sử dụng lá ổi non nấu lấy nước trộn tôm ăn hoặc cau ăn trầu, trái sapô non (hồng xiêm) lấy ruột xay nhuyễn trộn cho tôm ăn với liều lượng 1 - 2 trái/kg thức ăn. Khi phát hiện “hạt gạo” hay “mủ đuôi” tại đường ruột tôm ở đốt bụng cuối gần gai đuôi có thể sử dụng các sản phẩm trộn cho tôm ăn để trị ký sinh trùng đường ruột tôm.

Khi phát hiện sớm bệnh phân trắng với tỷ lệ bệnh thấp, bệnh nhẹ có thể tham khảo phương pháp điều trị như sau: Ngày thứ nhất, ngừng cho ăn và diệt khuẩn môi trường nước liều cao. Ngày 2 tiếp tục ngừng cho ăn một ngày. Ngày 3, cho tôm ăn lại 30 - 40% lượng thức ăn hàng ngày liên tục trong khoảng 3 ngày, đồng thời trộn thức ăn với các sản phẩm đặc trị phân trắng hoặc chế phẩm EM gốc hoặc các sản phẩm acid hữu cơ liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất. Đến ngày thứ 4, cấy dòng vi sinh có lợi lại cho môi trường ao nuôi. Qua đó, người nuôi tôm cũng lưu ý, sau khi trộn cho tôm ăn 3 ngày nếu thấy tôm giảm bệnh thì tiếp tục dành ra 1 cữ ăn 15% lượng thức ăn để trộn với thuốc, các cữ còn lại trộn với men tiêu hóa dạng tốt.

Trong trường hợp tôm bệnh nặng (xuất hiện nhiều sợi phân trắng, tôm giảm ăn nhiều và gan tụy xấu), trước tiên, cần phải cắt cữ ăn, diệt khuẩn môi trường, sau đó 2 - 3 ngày cấy vi sinh lại ao nuôi và trộn cho tôm ăn liên tục các loại kháng sinh nằm trong danh mục được phép lưu hành hiện nay như Oxytetracycline, Cotrim (Trimethoprim) với liều lượng 5 - 10g/kg thức ăn. Sau 3 - 5 ngày điều trị nếu tôm có dấu hiệu phục hồi nên ngừng sử dụng kháng sinh và trộn chế phẩm vi sinh đường ruột với liều lượng gấp đôi vào thức ăn tôm để phục hồi hệ vi sinh đường ruột. Khi sử dụng kháng sinh thì ít nhất cần 3 tuần để tôm bài thải kháng sinh ra ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, để tránh thiệt hại thêm, nên thu hoạch ngay khi tôm bị bệnh nặng đã ảnh hưởng đến gan tụy tôm, tôm giảm ăn, bỏ ăn nhiều, xuất hiện nhiều sợi phân trắng nổi trên mặt nước và chất lượng sợi phân kém (sợi phân nổi hẳn trên mặt nước), tỷ lệ mắc bệnh trên 30%, tôm đang trong giai đoạn có thể thu hoạch huề vốn, có lãi hoặc ít thiệt hại về kinh tế khi thu hoạch.

Nguồn: Theo baosoctrang.org.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết