Sinh sản nhân tạo đặc sản cá bống bớp

Adv thuysan247
Một nghiên cứu mới đây của Nguyễn Văn Huy và cộng tác viên cho thấy sử dụng hormone HCG kích thích sinh sản cá bống bóp ở liều lượng nhất định đem lại hiệu quả sinh sản và tỉ lệ thụ tinh cao.

Cá bống bớp, còn gọi là cá bống bốn mắt, là đặc sản của vùng Nghĩa Hưng, Nam Định.

Một nghiên cứu mới đây của Nguyễn Văn Huy và cộng tác viên cho thấy sử dụng hormone HCG kích thích sinh sản cá bống bóp ở liều lượng nhất định đem lại hiệu quả sinh sản và tỉ lệ thụ tinh cao.

thuysan247.com

Cá bống bớp (Bostrychus sinensis Lacepède, 1801) là loài cá rộng muối, có thể sống được ở cả môi trường nước mặn và lợ, đồng thời cũng tìm thấy loài này ở vùng nước ngọt. Ngoài ra, chúng có thể sống trong các hệ sinh thái khác như các rạn san hô. Ở Việt Nam, chúng sinh sống ở các vùng rừng ngập mặn, cửa sông và vùng nước triều ven bờ tây vịnh Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh), Nam Trung Bộ, Đông và Tây Nam Bộ. Mùa sinh sản của loài kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Trứng sẽ nở sau khoảng 3 đến gần 4 ngày trong điều kiện nhiệt độ 28 – 30oC và độ mặn từ 17 – 20%.

Đây là loài cá có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao mang lại hiệu quả kinh tế trong thời gian gần đây. Do lợi nhuận mà chúng đem lại khá cao nên nguồn lợi cá ngoài tự nhiên đang bị khai thác triệt để. Trước đây quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, con giống chủ yếu là thu gom ngoài tự nhiên, kích cỡ trung bình từ 5 - 6 cm nên nguồn giống luôn thụ động. Theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thì đây là loài cá được được cảnh báo có nguy cơ tuyệt chủng.  Do đó, nghiên cứu được tiến hành để xác định sự thay đổi về hệ số thành thục, tỷ lệ thành thục của cá sau khi nuôi vỗ trong bể composite và xác định được liều lượng kích dục tố HCG thích hợp cho quá trình sinh sản của cá bống bớp để làm cơ sở cho sản xuất giống để tái tạo nguồn lợi loài cá này.

Phương pháp nuôi vỗ bố mẹ: Cá bố mẹ được nuôi vỗ trong bể composite thể tích 50 m3 với mật độ 2 con/bể với độ mặn 20–22‰ và bố trí các ống nhựa PVC để tạo điều kiện cho cá chui rúc. Cá được cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm 6–7 h và chiều mát 17–18 h bằng mực tươi và cá tạp; cho ăn xen kẽ nhau với lượng cho ăn 3–5% khối lượng thân/ngày.

Ảnh hưởng của nồng độ kích dục tố HCG đến cá bống bớp

Cá thành thục sinh dục được kích thích sinh sản bằng hormone HCG ở các liều lượng: 0, 300, 600 và 900 IU/kg cá. Sau khi đẻ, trứng được ấp trong bể thể tích 400 lít có dòng chảy tuần hoàn. 

Kết quả cho thấy hệ số thành thục của cá cái tăng dần theo thời gian nuôi vỗ từ 2,15% đến 8,93% với tỷ lệ cá thành thục đạt 81,8%. 

Liều lượng tiêm khác nhau của hormone HCG có ảnh hưởng đến thời gian hiệu ứng, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của trứng. Ở liều tiêm 300 IU/kg cho kết quả tốt nhất và có sự sai khác về thời gian hiệu ứng của thuốc, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của trứng so với các nghiệm thức còn lại (p < 0,05). 

Kết quả thí nghiệm khuyến cáo rằng, việc sử dụng hormone HCG để kích thích cá bống bớp sinh sản nên dùng ở liều lượng 300 IU/kg.

Ngoài ra, nuôi vỗ cá bố mẹ thành thục là khâu đầu tiên và rất quan trọng trong sinh sản các loài cá, ảnh hưởng quyết định đến khả năng thành thục, tái thành thục và hệ số thành thục của cá đực và cá cái. Do đó, để tiến hành sinh sản cá bống bớp đạt hiệu quả cao bà con cần nuôi vỗ tốt, đúng mùa vụ và đúng kỹ thuật, cung cấp đầy đủ thức ăn, tạo điều kiện môi trường phù hợp, cá sẽ phát dục tốt, sức sinh sản và hệ số thành thục cao. 

Nguồn: Theo Tạp chí Khoa học Đại học Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết