Để ngư dân vững vàng bám biển

Adv thuysan247
Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Ðoàn kiểm tra liên ngành tuyên truyền cho ngư dân Nghệ An đánh bắt thủy sản đúng quy định. (Ảnh NGUYỄN HẢI)

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

thuysan247.com

Hiện nay, lực lượng kiểm ngư còn tham gia hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản đối với ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển Việt Nam, góp phần quan trọng trong nỗ lực gỡ "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC)…

Điểm tựa cho ngư dân

Ðể tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong tuần tra, kiểm soát trên biển, góp phần khắc phục "Thẻ vàng" của EC, từ năm 2018, ngành thủy sản đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp liên ngành các lực lượng: biên phòng, thanh tra cùng chính quyền địa phương. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã thực hiện hơn một nghìn chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển; kiểm tra khoảng 16 nghìn lượt phương tiện đánh bắt trong và ngoài tỉnh, xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 vụ/600 phương tiện, tịch thu nhiều kích điện, kíp điện, lưới giã điện…

Hải đội 2 là đơn vị cơ động chiến đấu của Bộ đội Biên phòng Nghệ An, được giao phụ trách vùng biển Nghệ An với chiều dài 82km bờ biển. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn chủ yếu khác, đơn vị còn chủ công tham gia cứu hộ, cứu nạn ngư dân, tàu thuyền bị nạn trên biển. Có những đợt mưa bão, khu vực tàu ngư dân bị sự cố, tai nạn ở rất xa, nhận được tin báo, bất kể đêm tối, bão tố, các cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 lại tức tốc lên đường đến nơi để hỗ trợ ngư dân gặp nạn.

Cuối năm 2021, tàu cá TS 90438 NA do ông Nguyễn Văn Sáng, quê quán xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An làm chủ, đang đánh bắt trên vùng biển Nghệ An thì bị gãy trục chân vịt, thả trôi tự do, có nguy cơ bị chìm. Thuyền trưởng phát tín hiệu đề nghị được cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Nhận được thông tin và chỉ đạo, Hải đội 2 điều động tàu BP 06 -11-01 lên đường thực hiện nhiệm vụ. Sau hành trình dài vượt qua sóng gió, lực lượng cứu hộ của Hải đội 2 đã tiếp cận được phương tiện bị nạn, chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên và lai dắt tàu vào đất liền.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Sáng cho biết: "Tàu bị hỏng hóc ở vùng biển xa đất liền, trong điều kiện sóng to, gió lớn. Trước nguy cơ tàu bị chìm, chúng tôi rất lo lắng. Rất may, lực lượng cứu hộ đã ra ứng cứu kịp thời, đưa thuyền viên và phương tiện vào bờ an toàn. Có Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, chúng tôi cảm thấy vững tâm hơn mỗi khi vươn khơi, bám biển". Trong bảy năm qua, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tổ chức hơn một trăm lượt phương tiện cùng gần 700 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được 100 phương tiện bị tai nạn trên biển, đưa vào bờ an toàn.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An Trần Như Long, lực lượng kiểm ngư và các lực lượng phối hợp tác chiến như biên phòng, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia… đã trở thành chỗ dựa tin cậy để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển…

Tích cực khắc phục "Thẻ vàng"

Ngoài việc tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, trong giai đoạn hiện nay, trước tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý có nhiều diễn biến phức tạp, dẫn tới cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với nghề cá Việt Nam, lực lượng kiểm ngư đã tập trung tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm. Kiểm ngư Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản các giải pháp nhằm giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam xâm phạm trái phép vùng biển của các nước.

Suốt tám năm qua kể từ khi được thành lập (năm 2014), lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp với các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, thanh tra thủy sản chỉ đạo chi cục kiểm ngư vùng, chi đội kiểm ngư triển khai trên 596 lượt tàu, xuồng kiểm ngư bám biển thực hiện nhiệm vụ. Ðến nay, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm rõ rệt và có chuyển biến tích cực, không còn tàu cá vi phạm các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Với quyết tâm cùng ngư dân gỡ bỏ "Thẻ vàng" của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam, những năm gần đây lực lượng kiểm ngư đều có những chương trình thiết thực. Tháng 2/2022, tại Hải Phòng, Chi cục Kiểm ngư Vùng I đã làm lễ xuất quân, triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Trong năm 2022, Chi cục Kiểm ngư Vùng I sẽ thực hiện 11 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ từ Quảng Ninh đến khu chung quanh đảo Cồn Cỏ với nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU…

Kết hợp thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động thủy sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, các đoàn tuần tra của Chi cục Kiểm ngư Vùng I sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trên biển và giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Gần đây nhất, ngày 17/5, Ðoàn công tác của Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) lần đầu tổ chức buổi chuyên đề đối thoại trực tiếp với chính quyền, các chủ tàu cá, ngư dân của xã Phước Tỉnh, huyện Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về biển đảo và tình hình tàu cá khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU). Theo ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, các chương trình tuyên truyền này đã giúp ngư dân hiểu được về chế độ pháp lý trên các vùng biển, các hiệp định, thỏa thuận Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực, chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân được cập nhật các quy định của Luật Thủy sản 2017, một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân bám biển trong tình hình mới, thời gian tới cần kiện toàn công tác tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan kiểm ngư, các chi cục kiểm ngư vùng, các chi đội kiểm ngư và các trạm kiểm ngư; thúc đẩy thành lập hệ thống kiểm ngư địa phương. Tiếp tục phối hợp các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khai thác trên biển góp phần vào việc khắc phục "Thẻ vàng" của EC, bảo đảm an toàn, an ninh, chủ quyền trên biển ■

Tâm Thời và Thành Châu

Nguồn: Theo https://nhandan.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết