Thủy sản Việt vào thị trường RCEP: Không có bữa ăn nào miễn phí

Adv thuysan247
Tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022 diễn ra hôm nay 30/5, các đại biểu đều cho rằng thủy sản nước ta đang đứng trước cơ hội lớn

Tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022 diễn ra hôm nay 30/5, các đại biểu đều cho rằng thủy sản nước ta đang đứng trước cơ hội lớn

thuysan247.com

Miếng bánh ngọt” cho ngành thủy hải sản

Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngụy Giai Vĩ, Phó trưởng ban nghiệp vụ tổng hợp, Hiệp hội xuất nhập khẩu Trùng Khánh (Trung Quốc) cho biết, thủy sản Việt Nam có uy tín rất cao trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm thủy sản cao cấp như cá ngừ, ngao, cá rô phi rất được người dân yêu thích. Hiện tại, giao thương từ Trùng Khánh tới Việt Nam có rất nhiều tuyến đường thuận lợi, thời gian giao hàng có thể chỉ 10 tiếng, đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm. 

Với việc RCEP có hiệu lực (từ ngày 01/01/2022), thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ có tiềm năng phát triển nhanh và mạnh hơn nữa. Hiện nay, Trùng Khánh đã xây dựng khu giám sát, quản lý hải sản tươi sống và đông lạnh do Hải quan chỉ định. Do vậy, hiệu suất thông quan sẽ được nâng cao hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đồng, đại diện Thương vụ Nhật Bản, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn. Nhờ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản AJCEP,…mặt hàng thủy sản tươi sống và chế biến được hưởng các ưu đãi và cắt giảm thuế quan khi xuất khẩu qua các nước thành viên. Trong đó, hiệp định RCEP với quy mô lớn nhất được đánh giá là sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn về thị trường, cải thiện các điểm yếu về các tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu đầu vào cùng với các nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất và xuất khẩu qua các nước thị trường trong khối. Ngoài ra, các mức cam kết về cắt giảm thuế quan trong RCEP cũng rất cao, là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường này. 

Không có bữa ăn nào miễn phí”

Đây chính xác là cụm từ mô tả dành cho tình trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện tại. Hiệp định RCEP cùng các hiệp định thương mại tự do khác đem lại nhiều cơ hội, thị trường lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng cùng với đó là những tiêu chuẩn khắt khe, thách thức.

Điển hình, tại thị trường Nhật Bản, đây là một trong những thị trường có mức tiêu thụ thủy hải sản nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính đối với chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm thủy sản. Người Nhật có yêu cầu khắt khe đối với độ an toàn của thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thủy sản, đối với họ chất lượng, độ an toàn quan trọng hơn so với vấn đề giá cả.

Bên cạnh đó, do cuộc sống bận rộn, các sản phẩm tiện lợi như cá rút xương, thủy sản đã được chế biến sẵn với giá cả phải chăng rất được lòng khách hàng. Ngoài ra, người Nhật có sự nhạy cảm với thực phẩm theo mùa. Bởi vì họ quan niệm rằng thực phẩm nên được tiêu thụ đúng mùa sẽ có chất lượng tốt nhất. Ví dụ, mùa tốt nhất để ăn cá tuyết, cá hồi, cá ngừ là vào mùa đông, khi đó các loại cá này sẽ có hàm lượng chất béo cao nhất; hoặc mùa xuân sẽ là thời điểm tốt nhất để ăn cá lóc, thịt cá voi,…

Hiện nay, các loại thực phẩm, thủy sản đã có sẵn ở Nhật Bản quanh năm, tuy nhiên quan niệm tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là thủy sản theo mùa vẫn có ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người dân.

 

Hoặc như tại thị trường Úc, theo bà Nguyễn Thu Hường, đại diện thương vụ Việt Nam tại Úc, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào Úc, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng tại thị trường này. Đầu tiên các doanh nghiệp cần lưu ý về thuế hải quan tại Úc. Thuế nhập khẩu tại Úc được tính bởi giá của hàng hóa đã được đóng vào container và được chuyển lên sàn tàu tại cảng xuất hàng, cước vận tải và phí bảo hiểm nội địa cho tới địa điểm cuối cùng tại cảng xuất khẩu được bao gồm trong tổng giá tính thuế.

Để xác định được giá trị lô hàng nhập khẩu ghi bằng đồng ngoại tệ sang đồng đô la Úc, hải quan Úc sử dụng tỉ giá hối đoái tương ứng vào thời điểm xuất hàng. Bên cạnh đó, thủy sản nhập khẩu vào Úc cần phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định của Úc về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015.

Đồng thời, mặt hàng thủy sản cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Luật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Úc - Newzealand. Trong đó, có các yêu cầu cụ thể về nhãn mác, bao bì, các yêu cầu đối với chất phụ gia và gia vị thực phẩm, các yêu cầu về các chất tồn dư và các chất gây ô nhiễm thực phẩm, các yêu cầu về chế biến và hạn mức sinh học,

"Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD."

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Nguồn: Theo Báo Đầu Tư
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết