RCEP hiện chiếm 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Các thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) hiện chiếm tới 63% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài, thủy sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh và sẽ thâm nhập sâu rộng hơn vào các quốc gia thành viên RCEP.
Hiệu ứng tích cực
Tại hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP ngày 30.5, ông Lê Hoàng Tài cho biết, RCEP gồm 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á và 5 đối tác Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiệp định này có hiệu lực từ đầu năm nay mở ra cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Mạnh Đồng cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,33 tỷ USD, dù giảm nhẹ 7% so với năm 2020 nhưng vẫn chiếm 74% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh, tôm chế biến, cá thu đông lạnh… Hiện, cơ hội thị trường cho thủy sản rất lớn, bởi Nhật Bản có dân số đông với thu nhập cao, truyền thống tiêu dùng sản phẩm thủy sản từ lâu đời. Bên cạnh đó, số lượng người Việt sinh sống ngày càng đông nên nhu cầu thủy sản cũng tăng. Với RCEP, Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu đầu vào từ 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác mà vẫn được hưởng ưu đãi nên có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Bà Ngụy Giai Vĩ, Hiệp hội Xuất nhập khẩu TP. Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết, với RCEP và nhu cầu về hải sản ngày càng rộng mở, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc duy trì đà tăng cao. Bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Với Trùng Khánh, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng vốn là đối tác thương mại lớn nhất. Do vậy, Trùng Khánh đã xây dựng khu giám sát hải sản tươi sống và đông lạnh do hải quan chỉ định. Điều này giúp cải thiện hiệu suất thông quan.
Ở thị trường Australia, Việt Nam đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang quốc gia này trong các năm 2020 - 2021, bà Nguyễn Thu Hường, Đại diện Thương vụ Việt Nam Australia thông tin. Nhờ lợi ích từ RCEP, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 128,1 triệu USD và tăng 53,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện được bày bán rất nhiều tại các hệ thống siêu thị, bán buôn và cả bán lẻ ở Australia.
Tuân thủ yêu cầu của nhà nhập khẩu
Bên cạnh thuận lợi từ RCEP, ngành thủy sản nước ta phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn. Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước, chi phí logistics tăng quá cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó là thách thức về tính bền vững trong khai thác, các yêu cầu về chất lượng cao và dễ chế biến. Ngoài ra, Việt Nam chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước khi các nước Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… tăng diện tích thả nuôi và tăng xuất khẩu vào các thị trường trong khối. Cuối cùng là bài toán về thương hiệu, đây là yếu tố khẳng định giá trị và vị trí cho sản phẩm nhưng lại chưa có lời giải chính đáng.
Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thu Hường khẳng định thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội và dự báo xuất khẩu sang Australia tiếp tục tăng. Để đủ điều kiện xuất khẩu, doanh nghiệp phải lưu ý vấn đề thuế hải quan, bảo đảm được vệ sinh an toàn sinh học và an toàn thực phẩm cho sản phẩm xuất khẩu. Quan trọng là hàng xuất khẩu phải có nhãn và chứng nhận xuất xứ. Bà Hường mong muốn các doanh nghiệp phối hợp để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam với quy mô lớn, để ngày càng nhiều sản phẩm có chỗ đứng vững chắc ở Australia cũng như các nước RCEP.
Với thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Mạnh Đồng khuyến cáo, sản phẩm tươi sống và chế biến phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này. Thủy sản nuôi trồng phải bảo đảm không sử dụng các chất kháng sinh tổng hợp bị cấm, đáp ứng quy định về dư lượng kháng sinh. Tuân thủ các quy định này không chỉ bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp mà còn bảo vệ hình ảnh chung của ngành thủy sản. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cần bảo đảm nguồn cung và giá cả vì người tiêu dùng Nhật Bản rất nhạy cảm với sự thay đổi giá.
Hạnh Nhung
Nguồn: Theo Báo Đại biểu Nhân Dân Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết