Nuôi tôm trái phép trong vùng trồng lúa, nông dân xung đột lợi ích

Adv thuysan247
Hàng loạt ao tôm mọc lên trong khu vực được quy hoạch trồng lúa khiến nông dân xung đột quyền lợi kéo dài nhiều năm nay không dứt.

Một vuông tôm công nghệ cao trong mênh mông đồng lúa.

Hàng loạt ao tôm mọc lên trong khu vực được quy hoạch trồng lúa khiến nông dân xung đột quyền lợi kéo dài nhiều năm nay không dứt.

thuysan247.com

Ông Nguyễn Tuấn Nhã - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, Long An) cho biết, đang giải quyết một vụ nông dân trồng lúa khiếu kiện nông dân nuôi tôm trên địa bàn.

Trong ruộng lúa có ao tôm

“Một nông dân trồng khoảng 1ha lúa đã khiếu kiện ao tôm cạnh bên để nước mặn rỉ vào ruộng lúa. Nuôi tôm lâu ngày nước mặn sẽ tích tụ dưới đáy ao. Chủ vuông tôm hứa vào mùa khô sẽ cho nạo vét phần đất đáy ao nhằm xả mặn”, ông Nhã thông tin.


Ông Ba Lập kiểm tra tôm nuôi

Tại xã Long Hựu Đông, việc nông dân trồng lúa khiếu kiện nông dân nuôi tôm diễn ra nhiều năm nay. Bởi, cặp theo con đê ngăn mặn trên địa bàn xã, phần phía trong quy hoạch trồng lúa, ao tôm mọc nối nhau.

Tại ấp Kênh Đào có khoảng 15ha đang nuôi tôm xen kẽ giữa những cánh đồng lúa.

Ông Ba Lập (Nguyễn Thành Lập), một nông dân đang nuôi 3.000m2 ao tôm cho biết, mỗi lần ông lấy nước mặn từ sông Vàm Cỏ vào ao là nông dân trồng lúa cạnh bên la toáng lên. “Họ cự với mình suốt”, ông thổ lộ.

Vừa rồi, do bất cẩn khi đưa nước mặn vào ao tôm, ông đã để nước mặn rỉ vào ruộng lúa cạnh bên khiến phải bồi thường cả ruộng lúa.

“Trước tôi cũng trồng lúa, nhưng vì đất ở đây là đất phèn, mặn nên năng suất lúa rất thấp, cao lắm là 5 tấn/ha, nên tôi chuyển sang nuôi tôm”, ông bộc bạch.

Cạnh bên, tại xã Phước Đông, tình hình đào ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa cũng khá rôm rả. Hiện, xã này có hơn 15ha ao tôm giữa vùng quy hoạch trồng lúa.


Một ruộng lúa bỏ hoang cạnh một vuông tôm đang nuôi

Tại ấp 6, giữa đồng ruộng lúa xanh um, giờ mọc lên khoảng chục ao tôm của 3 hộ nông dân. Ông Mỹ, một trong 3 hộ nông dân này cho biết, 2 năm trước ông cho đào 2 ao với tổng diện tích 4.000m2 để nuôi tôm công nghệ cao. “Qua năm, tôi sẽ cho hạ điện cao thế để thuận tiện cho việc nuôi tôm”, ông Mỹ cho biết.

Theo ông Mỹ, tại xã đã có một số hộ nuôi tôm phải đền bù thiệt hại cho người trồng lúa khi để nước mặn rỉ vào ruộng lúa. “Có hộ nuôi tôm phải đền bù thiệt hại lúa đến 5 năm”, ông Mỹ thông tin.

Tự xử…

Theo ông Mười Đặng (Nguyễn Đặng), một nông dân có 3 ao tôm với diện tích 8.000m2, việc không để nước mặn từ ao tôm cạnh ruộng lúa là bất khả thi, nhất là vào những tháng mùa khô.

“Vào tháng nắng, bờ bao, mặt ao đều nứt nẻ, khi lấy nước mặn vào ao để nuôi tôm, không cách gì để ngăn nước mặn không rỉ vào ruộng lúa người khác”, ông Mười Đặng chia sẻ.


Vuông tôm san sát trong khu trồng lúa tại các xã vùng hạ Long An.

Nhằm giải bài toán này, tránh bị thưa kiện phải “treo ao”, ông Mười Đặng thuê luôn những ruộng lúa xung quanh ao tôm mình. “Mỗi năm tôi tốn bộn tiền thuê đất, nhưng như vậy an tâm nuôi tôm hơn. Không sợ ai thưa kiện”, ông Mười Đặng nói.

Theo nhiều nông dân trồng lúa tại đây, chưa chủ vuông tôm nào bị chính quyền phạt vì nuôi tôm sai phép. Chủ vuông tôm chỉ sợ phải bồi thường cho chủ ruộng lúa. “Lúc đầu nông dân trồng lúa cự lắm, chủ vuông tôm đã chơi chiêu… thuê luôn đất ruộng kề bên. Một năm vài ba triệu đồng tùy diện tích lớn nhỏ. Nhiều ruộng lúa giờ bỏ hoang cũng vì thế. Tuy nhiên, cũng có chủ vuông tôm cứ phải bồi thường mãi đành “treo” ao luôn”, một chủ ruộng lúa cho biết.

Ngoài việc đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm thì một số hộ đào ao giữa ruộng lúa qua quá trình xử lý các hóa chất, gây xì phèn ảnh hưởng đến ruộng lúa xung quanh, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa các nông dân.

Theo ông Nhã, chính quyền xã đã vận động nông dân, không cho nuôi tôm trong đất lúa. Yêu cầu chủ vuông tôm cam kết, thống nhất nếu khi nuôi tôm gây ảnh hưởng sẽ bồi thường thiệt hại cho hộ trồng lúa. “Các hộ nuôi tôm đã cam kết rồi”, ông Nhã khẳng định.

Không chỉ ở xã Long Hựu Đông, Phước Đông, mà các xã Tân Ân, Phước Tuy,…  vùng hạ tỉnh Long An có tình trạng đào ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa, cũng dùng biện pháp “hai bên tự thương lượng” nếu xảy ra tình huống ruộng lúa bị thiệt hại vì nhiễm mặn từ nước ao tôm.

Nguồn: Theo Dân Việt
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết