Nuôi tôm gặp khó vì thông tin thất thiệt

Adv thuysan247
Hành vi trục lợi trên sự cả tin của người nông dân ở một bộ phận thương lái đã khiến cho nhiều vùng nuôi tôm náo loạn. Từ việc bán con giống giả đến ép giá trong mua tôm thương phẩm liên tục diễn ra. Câu chuyện không mới nhưng luôn mang tính thời sự.

Ảnh minh họa

Hành vi trục lợi trên sự cả tin của người nông dân ở một bộ phận thương lái đã khiến cho nhiều vùng nuôi tôm náo loạn. Từ việc bán con giống giả đến ép giá trong mua tôm thương phẩm liên tục diễn ra. Câu chuyện không mới nhưng luôn mang tính thời sự.

thuysan247.com

Tôm giống nhiều “không”

Sản xuất tôm giống chất lượng tốt đòi hỏi rất nhiều chi phí, đồng nghĩa giá đầu ra của con giống cũng cao. Chính vì vậy, không phải người nuôi tôm nào cũng chịu được “nhiệt”, nhiều người nuôi nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp chấp nhận may rủi khi mua tôm giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Có cầu thì ắt có cung và tôm giống “rởm” vẫn xuất hiện đều đặn. Ngành chức năng vào cuộc quyết liệt và liên tục, thế nhưng vẫn không xử lý được triệt để.

Đầu tháng 3 vừa qua, Đoàn Thanh tra của Tổng cục Thủy sản và Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) kiểm tra, phát hiện 2 công ty tại Ninh Thuận vi phạm trong sản xuất giống thủy sản. Cụ thể, các lô hàng của Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Phong Phú VN không có kiểm dịch, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ương dưỡng tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống được cơ quan chức năng cấp.

Còn vi phạm của Công ty TNHH Giống thủy sản Phát Đông Thành là chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định. Công ty này sau đó bị phạt hành chính 70 triệu đồng.

Cùng với việc “triệt phá” tận gốc, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra trên các tuyến đường, các phương tiện vận chuyển tôm giống. Tháng 4/2017, thanh tra liên ngành tại Bạc Liêu tiến hành nhiều cuộc kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1A, phát hiện không ít xe chở tôm giống từ các tỉnh miền Trung vào Bạc Liêu và Cà Mau, số lượng hơn 6 triệu con tôm giống không có kiểm dịch. Tháng 3/2018, đoàn kiểm tra liên ngành thủy sản đã kiểm tra đột xuất và phát hiện 6 xe tải chở tôm giống lậu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, số lượng tôm giống là 10 triệu con không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch, nhãn mác.

Tháng 2 vừa qua, trong 3 đêm (từ ngày 18 đến 21/2), trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản phát hiện 15 phương tiện chở 21 lô hàng tôm giống (20 triệu con) không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản.

Đây là những vụ việc điển hình được phát hiện, còn có lọt những lô hàng nào không thì theo nhiều người nhận định, khả năng cao là có. Bởi cứ sau đợt thả tôm giống một thời gian, không ít hộ nuôi nhỏ lẻ được lên báo vì ao tôm thiệt hại, đa phần đều không đề cập đến nguồn nhập con giống. Còn những người nuôi tôm thành công mỗi vụ, họ đều sẵn sàng chia sẻ địa chỉ của các công ty phân phối con giống cho ao nuôi của mình. Một sự việc điển hình về “tiền nào của nấy”.

 

Tôm thương phẩm bị ép giá

Mới đây tại Cà Mau, người nuôi tôm lại đứng ngồi không yên khi giá TTCT sụt giảm, người nuôi lỗ nặng. Cụ thể, tôm cỡ 100 con/kg được thương lái thu mua mức giá 77.000 - 80.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 128.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi không có lãi.

Thông tin được đồn thổi là doanh nghiệp ngừng thu mua do khó khăn trong xuất khẩu vì ảnh hưởng của COVID-19, giá bán tôm giảm lập tức gây hiện tượng domino, khiến nhiều người nuôi thu hoạch bán vội khiến sản lượng tôm trên thị trường tăng đột biến, giá bán vì thế không có cơ hội quay đầu, còn thương lái thì thỏa sức làm giá. Điển hình là việc thương lái hợp đồng mua tôm của người dân cho giá trong ngày, đáng nói là mỗi buổi một giá, điều này tác động lớn đến tâm lý người nuôi tôm. Người vững thì chưa vội tin, đợi nguồn thông tin chính xác, còn người sợ thì lập tức bán vì lo rằng giá ngày mai không còn như vậy và không có người mua.

Cứ như thế, thông tin truyền từ thương lái đã khiến cho vùng tôm náo loạn. Nhiều ao nuôi chưa đến kỳ thu hoạch cũng ào ạt kéo lưới, tôm bé - giá thấp đã khiến cho họ mất đi số tiền lãi vốn đáng được hưởng, đồng thời còn khiến thị trường rơi vào bất ổn, khi lúc thừa lúc thiếu. Trong khi đó, thông tin từ lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy, không có chuyện doanh nghiệp ngừng mua tôm, họ vẫn thu mua bình thường. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang chịu tác động khi áp lực thu mua tăng đột biến và lưu trữ kho rất lớn.

Cùng sự việc này năm trước cũng khiến người nuôi tôm tiếc hùi hụi vì “non gan”. Hàng loạt địa phương ùn ùn bán tôm cỡ nhỏ khiến giá giảm xuống mức 70.000 đồng/kg cỡ tôm 100 con/kg, người nuôi thua đậm, trong khi đó tôm cỡ lớn vẫn được thu mua bình thường và thời gian sau, tôm cỡ nào cũng có giá. Sự việc này xảy ra tại các tỉnh trọng điểm nuôi ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Trà Vinh… Nguyên nhân được cho là việc nhiều nước sản xuất tôm lớn thu hoạch, sản lượng tôm trên toàn cầu dư, giá bán xu hướng đi xuống và chưa có dấu hiệu dừng.

Chính quyền địa phương được lệnh tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm bắt, hiểu rõ tình hình, tránh tình trạng bán “lúa non” làm mất lợi nhuận và thị trường xáo trộn, thế nhưng, có vẻ thông tin từ thương lái đến với người nuôi tôm lại nhanh hơn nên cứ đến hẹn lại lên, bất cập lại xảy ra.

Câu chuyện về thông tin thất thiệt cứ lặp lại liên tục, mặc dù được cảnh cáo là sẽ xử lý nghiêm những người tung tin. Vậy nhưng, việc điểm mặt chỉ tên người phao tin vẫn chưa có, tin chính thống thì đến muộn khiến sự việc này dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính.

Nguồn: Theo Thủy sản Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết