
Áp dụng các công nghệ nuôi thân thiện với môi trường để phòng, chống bệnh hiệu quả. Ảnh: Tép bạc
Bệnh đốm trắng do virus (WSSV) gây ra trên tôm hiện vẫn chưa phương pháp điều trị, vì vậy, nắm vững các giải pháp phòng bệnh là hết sức cần thiết để vụ nuôi thành công.
Chọn và thả giống
Chất lượng tôm giống là một trong những yếu quan trọng nhất trong việc kiểm soát bệnh đối với tôm nuôi. Các đánh giá cảm quan bao gồm quan sát hoạt động, hệ gan tụy, mang và ruột. Tôm khỏe mạnh sẽ có màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn và phản xạ tốt. PL 10 thường được khuyến cáo là có thể sử dụng để thả nuôi, tuy nhiên ở điều kiện độ mặn thấp, PL12 sẽ thích hợp hơn.
Lựa chọn tôm giống từ các trại sản xuất uy tín (nơi có sự kiểm soát chất lượng đầu vào tôm bố mẹ và đầu ra con giống). Nếu có thể, yêu cầu trại giống ương liên tiếp 7 ngày trước khi xuất bán ở 320C. Khi đó, con giống sẽ không mang mầm bệnh đốm trắng (theo GS Chalor Limsuwan).
Kiểm tra tôm giống bằng phương pháp PCR để đảm bảo không nhiễm WSSV trước khi thả.
Thả tôm với mật độ hợp lý để hạn chế căng thẳng và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Nếu thả nhiều ao, người nuôi nên chia thành vài đợt và sử dụng các nguồn giống khác nhau. Điều này giảm được nguy cơ xảy ra bệnh đồng loạt.
Chọn mùa vụ nuôi thích hợp, tránh thả tôm trong giai đoạn nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao.
Tuân thủ quy trình xử lý nước
Nên có ao lắng để xử lý nước trước khi đưa nước vào ao nuôi, nước cấp vào ao nuôi phải được lọc qua lưới dày để không cho cá tạp và những vật mang mầm bệnh vào ao. Tuân thủ đầy đủ thao tác khử trùng. Chlorine và Ozone thường được sử dụng để xử lý nước cấp.
Giảm sự xâm nhập của virus vào ao nuôi
Bệnh đốm trắng do virus chủ yếu lây truyền theo chiều ngang thông qua vật chủ trung gian (nhất là giáp xác cua, rẹm, ba khía,…) có mang mầm bệnh từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao nuôi tôm. Vì vậy, ngay từ khi chuẩn bị ao cần tiêu diệt hết các loài này bằng vôi hoặc hóa chất. Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao (khoảng 5 – 7 ngày tùy theo vùng đất và điều kiện thực tế). Lấp hết các hang, lỗ ở bờ ao để cho cua, còng không còn nơi trú ẩn.
Ngoài ra, sự lây nhiễm thông qua các vật mang mầm bệnh như cua hoặc chim có thể mang các vật nhiễm bệnh giữa các ao như ăn tôm chết vào bụng và nhả ra khi chuyển qua ao khác. Vì vậy, cần có lưới để ngăn chim, hàng rào ngăn động vật sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng kia hoặc từ ao nuôi này sang ao nuôi khác.
Quản lý ao
Áp dụng các công nghệ nuôi thân thiện với môi trường để phòng, chống bệnh hiệu quả, đạt năng suất, sản lượng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm tôm nuôi.
Thực hiện tốt các biện pháp quản lý môi trường và cách ly các ao. Định kỳ dùng các chất diệt khuẩn để khử trùng môi trường nuôi và loại bỏ các cá thể bị bệnh ra khỏi đàn tôm.
Định kỳ thay nước, sử dụng vi sinh để kiểm soát chất lượng nước, hạn chế ô nhiễm.
Nhằm tránh lây lan mầm bệnh giữa các ao, tốt nhất không nên sử dụng chung các dụng cụ với nhau (lưới, vợt, thuyền,…), nếu đã dùng chung thì các dụng cụ đó phải được sát khuẩn và phơi khô trước 1 ngày. Ngoài ra, sau khi người nuôi đã lội xuống ao xong thì phải tắm rửa sạch sẽ và không nên tiếp xúc với thức ăn hoặc lội xuống ao khác.
Tăng sức đề kháng cho tôm
Sử dụng các sản phẩm có β-glucan 1,3, lipopolysaccharide và peptidoglycan để bổ sung vào thức ăn tôm, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bổ sung Vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Kiểm soát và đảm bảo điều kiện tốt cho tôm nuôi nhằm tăng khả năng kháng bệnh như các biện pháp vật lý (kiểm soát nhiệt độ, tăng cường sục khí, chế độ ăn phù hợp, loại bỏ bùn và chất hữu cơ, xử lý nước thải) để cải thiện môi trường; cùng với sử dụng hóa chất để kiểm soát pH và độ mặn, giảm hàm lượng Ammonia và nitrit để đảm bảo những chỉ tiêu này không vượt ngưỡng.
Xử lý ao có tôm bị bệnh
Khi phát hiện tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, cần nhanh chóng cách ly khu vực nhiễm bệnh, tránh lây lan sang ao khác. Đối với ao nuôi bị bệnh có tôm chết ít, cần thu tôm trong vòng 1 – 2 ngày nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Sau đó, cần thực hiện biện pháp cách ly ngay (đóng chặt cống; không cho nước vào và ra ngoài).
Sau khi thu tôm, khử trùng nước và dụng cụ bằng Chlorine nồng độ 40 ppm. Giữ nước sau khi xử lý Chlorine ít nhất 7 ngày trước khi xả ra môi trường. Dụng cụ và quạt nước dùng trong ao phải được phun xịt bằng nước hòa Chlorine với nồng độ 1.600 ppm hoặc nếu có thể thì ngâm trong nước hòa tan 40 ppm Chlorine trong ít nhất 3 ngày.
Nếu tôm chưa đạt cỡ thu hoạch, tôm chết nhiều (80 – 100%) thì nên vớt hết tôm chết đem tiêu hủy, sử dụng Chlorine nồng độ 40 ppm. Trong trường hợp tôm chưa chết hết thì tái xử lý Chlorine nồng độ 100 ppm.
Ao tôm bị bệnh đốm trắng, người nuôi không nên vội vàng cải tạo để thả nuôi ngay, mà nên cho ao nghỉ khoảng 1,5 – 2 tháng để cắt đứt nguồn bệnh và tái tạo lại môi trường nền đáy. Thời gian ao nghỉ nên thả cá rô phi để cá tiêu diệt hết những loài ký chủ trung gian mang mầm bệnh còn sót lại.
Một yếu tố quan trọng gây ra dịch đốm trắng đó chính là nhiệt độ môi trường. Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy, khi ao nuôi duy trì nhiệt độ ổn định ở mức 31 - 33ºC sẽ giảm tối đa dịch bệnh.
Nguyễn Hằng
Nguồn: Theo Tạp chí Thủy Sản Việt Nam Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết