Nuôi lươn giống chuẩn, nước sạch, hiệu quả cao

Adv thuysan247
Nuôi lươn không bùn là mô hình mới, đang phát triển ở tỉnh Nam Định. Hiệu quả kinh tế của mô hình này đem lại cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.

Hình minh họa

Nuôi lươn không bùn là mô hình mới, đang phát triển ở tỉnh Nam Định. Hiệu quả kinh tế của mô hình này đem lại cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.

thuysan247.com

Hiệu quả cao

Qua giới thiệu của một người quen, tôi biết đến mô hình nuôi lươn không bùn trên bể xi măng của gia đình ông Phạm Thế Thành (SN 1974, xã Hải Giang, huyện Hải Hậu) - người tiên phong, đưa mô hình này về địa phương phát triển.

Hôm chúng tôi đến tham quan mô hình, ông Thành quần xắn móng lợn, tay áo kéo qua khuỷu tay, đang vệ sinh lại bể nuôi để thay nước mới.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của ông Thành cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mai Chiến.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của ông Thành cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mai Chiến.

Vừa làm ông Thành vừa chia sẻ, ông biết đến mô hình nuôi lươn không bùn cách đây 4 năm khi còn đang làm ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thấy mô hình này phù hợp với môi trường, khí hậu ngoài miền Bắc, nên ông đã quyết định trở về quê lập nghiệp với loài thủy sản này.

Ông Thành dành riêng một khoảng diện tích đất sau nhà, xây 10 bể nuôi, mỗi bể rộng 6m2; lợp mái che nắng, che mưa rất chắc chắn. Với quy mô 10 bể, ông Thành có thể nuôi đến 2 vạn con lươn; mỗi bể chứa khoảng 2.000 con.

Tuy nhiên, đầu năm nay, do nguồn giống khan hiếm, ông Thành chỉ mua được 1 vạn con giống ở trong tỉnh Bình Dương với giá 6.000đ/con (400 con giống/kg). Hiện, lứa lươn trong bể của gia đình ông đã đạt đủ trọng lượng để xuất bán ra ngoài thị trường.

Theo ông Thành, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng không tốn nhiều công chăm sóc. Mật độ nuôi cao, dao động 350 - 500 con/m2; thậm chí có thể hơn, tùy theo kinh nghiệm nuôi của mỗi người. Lươn có sức đề kháng cao, ít bệnh tật; nếu có chỉ mắc bệnh nấm da, đường ruột nhưng rất dễ xử lý. Song, tốc độ sinh trưởng chậm hơn và màu sắc không đẹp bằng nuôi dưới ao bùn.

Ông Thành nhẩm tính, mỗi lứa nuôi kéo dài từ 10 - 11 tháng. Lươn thương phẩm khi xuất bán ra ngoài thị trường đạt 4 - 5 con/kg, dài 55 - 60cm/con. Nếu nuôi càng lâu thì lươn càng to, dài; đạt gần 500g/con.

Hiện tại, lươn thương phẩm đang được bán với giá 200.000đ/kg. Vụ nuôi 2020, ông Thành sẽ cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn lươn thương phẩm. Theo tính toán, sau khi trừ tất cả các chi phí, ông Thành lãi gần 150 triệu đồng.

“Thị trường đang rất cần lươn thương phẩm để chế biến các món ăn, phục vụ cho khách hàng nên nguồn cung đang bị thiếu. Đã có nhiều nhà hàng liên hệ mua lươn, nhưng tôi chưa muốn bán. Rất tiếc, năm nay nguồn giống khan hiếm nên tôi chỉ mua được 1 vạn con giống về nuôi, chiếm 50% số bể hiện có; nếu nuôi đủ 10 bể thì số tiền lãi không dừng lại ở con số gần 150 triệu đồng”, ông Thành bộc bạch.

 

Giống chuẩn, nước sạch

“Đó là 2 yếu tố quyết định sự thành công của mô hình”, ông Thành nhấn mạnh và cho biết thêm, con giống cần phải mua ở những cơ sở có uy tín, có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, không bị dị tật; màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn; không xây xát, tổn thương, mất nhớt. Nguồn nước trước khi đưa vào bể nuôi phải xử lý sạch. Ngày thay nước 2 - 3 lần theo nguyên tắc “đúng giờ, đủ lượng”.

Nhờ nuôi đúng kĩ thuật, lươn sống đạt 97%. Ảnh: Mai Chiến.

Nhờ nuôi đúng kĩ thuật, lươn sống đạt 97%. Ảnh: Mai Chiến.

Theo ông Thành, lươn rất mẫn cảm với môi trường, dễ sốc nhiệt; tùy theo thời tiết, độ tuổi để có sự điều chỉnh hợp lý khi xả nước bẩn từ trong bể nuôi ra ngoài và bơm nước sạch vào trong bể. Thông thường thực hiện cùng lúc vừa xả nước bẩn, vừa bơm nước sạch. Và, nên thay nước sau khi đã cho lươn ăn.

“Mực nước bơm vào bể theo sự trưởng thành của con lươn. Khi lươn còn nhỏ, mực nước tối thiểu ngập đàn lươn là trên 10cm; lươn nhỡ trên 20cm; lươn thương phẩm (loại 300g/con) khoảng 35cm nước trở lên. Có như vậy mới đảm bảo sự sinh trưởng và đúng kĩ thuật nuôi lươn không bùn trong bể xi măng”, ông Thành nói.

Chỉ tay vào đàn lươn đang lúc nhúc dưới đáy bể, ông Thành cho biết thêm, lươn là loài thủy sản thích sống chui, rúc; do đó nuôi ở bể xi măng thì cần bố trí thêm giá thể (làm từ ống tre hoặc sợi ni lông) để lươn trú ẩn. Giá thể càng dày, càng kín, lươn càng thích và nên sử dụng giá thể tối màu.

Toàn bộ mặt trong bể nuôi cần láng bóng bằng xi măng hoặc lát đá hoa để đảm bảo toàn thân, tránh xây xát khi chúng bơi lội. Thức ăn cho lươn chủ yếu là cám có độ đạm cao (trên 40%) hoặc cá xay nhuyễn. Ngày cho lươn ăn 2 bữa, sáng và chiều tối. Trước khi cho lươn ăn, phải té nước vào chỗ lươn trú ẩn khoảng 5 phút, với mục đích tập cho lươn có phản xạ tự nhiên.

“Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình tôi không bị hao hụt, tỷ lệ sống đạt tới 97%”, ông Thành khoe.

Thành công ở lứa nuôi đầu tiên đã tạo tiền đề cho ông Thành bước vào vụ nuôi tiếp theo. Đến nay, ông đã thả gối lứa 4.000 con lươn giống vào 2 bể. Đàn lươn giống đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Nguồn: Theo NNVN
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết