Nông dân huyện Nga Sơn đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao

Adv thuysan247
 Thông qua việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương, thời gian qua nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Nga Sơn có nhiều chuyển biến tích cực.

Nghề nuôi trồng thủy sản đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ven biển huyện Nga Sơn.

Thông qua việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương, thời gian qua nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Nga Sơn có nhiều chuyển biến tích cực.

thuysan247.com

Để nghề nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Nga Sơn đã tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực; khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xây, các mô hình sản xuât giống ở những nơi có điều kiện. Cùng với đó, thực hiện chuỗi an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản cũng như coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao nuôi.

Hiện trên địa bàn huyện có 1.786,6 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nước ngọt 926,7 ha, nước lợ 489,9 ha và 370 ha nước mặn, tập trung nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm thẻ thâm canh công nghệ cao trong nhà lưới, tôm thẻ bán thâm canh, ngao nước mặn, cá hồng Mỹ, cá đối nục, cá mú, cá vược…

Đến nay, huyện Nga Sơn đã thu hút trên 1.142 hộ tham gia sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trên 4.000 lao động tham gia trực tiếp sản xuất lĩnh vực khai thác và nuôi trồng, 1 hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao được chứng nhận VietGAP… Trong năm 2021, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 4.986,90 tấn; giá trị sản xuất nuôi trồng đạt 139.737,41 triệu đồng.

Là xã ven biển, nhờ phát huy lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, đến nay đời sống người dân xã Nga Tân được nâng lên đáng kể, nhiều hộ mạnh dạn mở rộng đất nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao của hộ anh Trần Thanh Quang ở thôn 3 đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh đã mạnh dạn đầu tư ban đầu với chi phí lên đến hơn 20 tỷ đồng, đến nay gia đình anh thu về 2 - 3 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết, xã có 254 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, hàng năm tổng sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 750 tấn. Hiện địa phương có 150 hộ nuôi trồng thủy sản trải dài ở 8 thôn. Ngoài nuôi tôm các hộ còn nuôi cua, cá, ngao. Các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp được mở rộng, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, UBND huyện Nga Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã và đấu mối với doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các chuỗi liên kết trong khâu sản xuất, sơ chế, tiêu thụ thủy sản tại các xã Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thái, Nga Bạch, Nga Tân nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và giải quyết đầu ra sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu ngao Nga Sơn có mặt tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, khuyến khích chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng trũng, trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo hướng kết hợp cá lúa hoặc gia trại, trang trại tổng hợp hoặc vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với kết cấu hạ tầng vùng nuôi hoàn chỉnh, khép kín. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng, phổ biến pháp luật liên quan cho các hộ dân…

TRUNG LÊ

Nguồn: Theo https://vhds.baothanhhoa.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết