Nguy cơ 'xóa sổ' nghề lưới đăng

Adv thuysan247
 “Hợp tác xã thủy sản Vạn Giã đang làm đơn gửi lên UBND huyện Vạn Ninh xin giải thể tự nguyện, do hoạt động nghề lưới đăng không hiệu quả. Hợp tác xã sẽ ra nghị quyết bán miếng đất để trả khoản nợ hơn 2,5 tỷ đồng vay nóng bên ngoài và nợ của cổ đông” - ông Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mở đầu câu chuyện về hiện trạng ngành nghề lâu đời nhất ở vùng biển trù phú này.

Đánh bắt cá lưới đăng ở thành phố Nha Trang. Ảnh: Lệ Giang

“Hợp tác xã thủy sản Vạn Giã đang làm đơn gửi lên UBND huyện Vạn Ninh xin giải thể tự nguyện, do hoạt động nghề lưới đăng không hiệu quả. Hợp tác xã sẽ ra nghị quyết bán miếng đất để trả khoản nợ hơn 2,5 tỷ đồng vay nóng bên ngoài và nợ của cổ đông” - ông Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mở đầu câu chuyện về hiện trạng ngành nghề lâu đời nhất ở vùng biển trù phú này.

thuysan247.com

Đắp đổi trả tiền lương

Nghề lưới đăng huyện Vạn Ninh đã trải qua trên 250 năm, có gốc gác từ tỉnh Bình Định du nhập vào Khánh Hòa. Các thế hệ con cháu ai cũng muốn bảo tồn và phát triển nghề lưới đăng, nhưng nay vốn liếng duy nhất chỉ còn thửa đất do các thành viên đóng góp mua từ năm 1978, làm trụ sở hợp tác xã. Buộc phải bán đất để trả nợ, coi như “xóa sổ” nghề lưới đăng đã trả qua 6 đời nối tiếp nhau của dòng họ ông Nguyện xây dựng nên.

Huyện Vạn Ninh từng có 4 hợp tác xã làm nghề lưới đăng, thời hoàng kim, cá thu, cá ngừ chở từng tàu lớn vào đổ đầy cảng Vạn Giã, bán trực tiếp cho các công ty chế biến thủy sản. Nhưng qua khảo sát, đến năm 2022, chỉ có Hợp tác xã thủy sản Đầm Môn còn hoạt động “thoi thóp”.

“Hợp tác xã thủy sản Vạn Giã đã nghỉ làm 2 năm nay, Hợp tác xã thủy sản Khải Lương thua lỗ nặng cũng dừng sản xuất. Chỉ còn lại Hợp tác xã thủy sản Đầm Môn hoạt động ở cơ sở Hồ Na, chi phí cho sản xuất năm nay đã bị lỗ trên 350 triệu đồng. Tháng 2 âm lịch là đầu mùa vụ khai thác, hợp tác xã chỉ đạt doanh thu 70 triệu đồng, trong khi đó, chi phí mỗi tháng trên 200 triệu đồng. Qua tháng 4 cũng chẳng mấy khả quan, ban quản trị hợp tác xã đang tính thu hẹp sản xuất để “cắt” bớt thua lỗ. Nhiều lao động nghề lưới đăng ở thôn Khải Lương vào làm công cho các cơ sở lưới đăng ở Nha Trang” - ông Nguyện chia sẻ tình cảnh với đồng nghiệp.

Tôi theo tàu ra sở lưới đăng của Hợp tác xã nghề cá Thống Nhất, thành phố Nha Trang, đang hoạt động ở phía mặt ngoài đảo Hòn Tre, gần với tuyến đường hàng hải quốc tế.Ông Mai Văn Hòa, Giám đốc Hợp tác xã nghề cá Thống Nhất cho biết: “Trải qua nhiều đời làm nghề lưới đăng đã tổng kết về nguồn cá ở các sở lưới đăng: Nhất Vĩnh Hy (Ninh Thuận), nhì Hồ Na (huyện Vạn Ninh), ba Hòn Nọc (Nha Trang). Vĩnh Hy là đầu nguồn cá chạy từ phía Nam ra Bắc, bây giờ đang thua lỗ nghiệm trọng. Ở khu vực Nha Trang gần như đói toàn tập, Hợp tác xã nghề cá Đoàn Kết phải “cắt lỗ”, bằng cách thu lưới đưa về bờ nghỉ sớm, vậy mà còn bị nợ 400 triệu đồng”.

Trước đây, các lao động làm việc trên tàu, thuyền lưới đăng chủ yếu là các thành viên hợp tác xã, tiền lương được trả theo phần trăm sản phẩm đánh bắt được. Những năm gần đây, nghề lưới đăng gặp khó khăn. “Bây giờ, trả lương “chết” theo tháng, lao động làm việc dưới nước từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng, trên thuyền là 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, hợp tác xã tôi phải chi 250 triệu đồng tiền lương, dầu nhớt, ăn uống… Suốt tháng 2, tháng 3, gió mùa Đông Bắc liên tục, phải nhổ lưới vào Bích Đầm trú ẩn 3 lần, phải đi vay tiền bên ngoài về trả lương. Đầu tháng 4, anh em tính nhổ lưới vào bờ nghỉ sớm để giảm lỗ, mấy ngày vừa rồi cũng làm được mấy trăm con cá thu, nên cố gắng cầm cự. Các cổ đông hợp tác xã từ hôm Tết Nguyên đán đến giờ chưa nhận được đồng tiền lương nào. Thành phố Nha Trang có 4 hợp tác xã và doanh nghiệp làm nghề lưới đăng, hiện nay chỉ còn 2 đang hoạt động trên biển” - ông Hòa nêu khó khăn.

Xung đột với các nghề khác

Cá thu chiếm khoảng 70% sản lượng đánh bắt từ nghề lưới đăng ở Khánh Hòa. Ảnh: Lệ Giang

Nghề lưới đăng tại tỉnh Khánh Hòa có từ xa xưa, lúc đầu chỉ làm lưới bằng sợi dây đay, thuyền chèo bằng tay và buồm. Các ông tổ nghề đăng đã chọn được những vị trí hiểm yếu nhất, là tuyến đường di cư huyết mạch của các đàn cá từ vùng biển khơi vào. Vùng hiểm yếu là những điểm đảo, eo biển nhô ra xa phía Biển Đông, họ đặt hàng lưới (mắt lưới to bằng đường kính chai rượu) từ bờ đảo kéo ra khoảng 450-500m. Phía ngoài cùng làm vòng lưới rộng khoảng 2.000m2 (gọi rọ lưới) có cửa - đường cá vào, rộng trên 5m. Tất cả được cố định bằng hệ thống neo và phao nổi chống chịu được sóng lớn và dòng chảy mạnh.

Từ tháng 2 đến tháng 4 (âm lịch), cá di cư từ phía Nam ra Bắc. Từ tháng 5-7, cá chạy nước “khép”, từ phía Bắc vào Nam. “Do đặc tính cá chạy theo hướng di cư, mình phải đặt cửa vào lệch với hướng cá di chuyển để nó “quên” mất hướng cửa chạy thoát ra. Nhiều khi dòng chảy mạnh khó đánh lưới, “giam cầm” đàn cá cả ngày dưới biển, chờ khi dòng chảy giảm cường độ, buông lưới xuống kéo cá” - ông Hòa giải thích.

Trong khu vực vòng vây, bà con ngư dân cắt cử một “trinh sát” mang kính lặn, nằm úp mặt trên phao quan sát và đếm cá đang di chuyển dưới biển sâu. “Trinh sát” sẽ xác định được đàn cá di chuyển theo vòng tròn bán kính lớn hay nhỏ, hoặc nó thường hay co cụm vào gốc nào, dự tính được sản lượng cá bao nhiêu tạ, tấn. Chỉ có “trinh sát” cá mới có quyền ra lệnh đóng cửa và buông lưới đánh bắt.

Nghề lưới đăng trong tâm thế “chờ thời” đàn cá đi qua và chạy vào vòng rọ lưới vây. Thế nhưng ở tỉnh Khánh Hòa, các loại nghề lưới trũ, lưới vây, lưới rê, giã cào… phát triển nhiều và hoạt động gần bờ, dường như “chặn đường” của nghề lưới đăng tứ phía, dẫn đến sản lượng khai thác nghề lưới đăng ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng.

“Nghề lưới vây trũ có bộ lưới dày như muồng, còn có tên gọi “trũ muồng” được xếp vào mắt lưới siêu dày trong khai thác thủy sản, vòng lưới dài gần cả cây số, chiều sâu 50-70m. Nghề này ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có hàng trăm chiếc, hoạt động suốt đêm dọc theo gần bờ và các đảo ở cửa đầm, vịnh, eo biển. “Trũ muồng” bắt cá nhỏ như que tăm đến to vài chục kg. Kế tiếp nghề giã cào (lưới kéo) cũng hoạt động gần bờ, sức tàn phá hệ sinh thái đáy biển, truy bắt lượng lớn cá nhỏ. Các nghề này phát triển mạnh đã triệt tiêu trực tiếp nghề lưới đăng, còn làm cho nguồn lợi thủy sản của biển bị suy kiệt” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang phân tích.

Ở phía ngoài, cách bờ khoảng 30 hải lý, đủ các thứ nghề như: Lưới cản (rê), mành chụp, lưới vây, giã cào đôi (2 tàu)… với tần suất hoạt động rất cao, coi như chặn đường cá từ vùng biển khơi di chuyển vào gần bờ. Tiến sĩ Trần Hữu Phú, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) thông tin:“Mùa khai thác từ tháng 2 đến tháng7 hằng năm, họ sử dụng loại mắt lưới lớn, chỉ đánh bắt những loại cá thuộc dòng cá nổi, như: Cá thu, ngừ, bớp, cờ… có giá trị kinh tế cao. Lưới đăng bắt loại cá nhỏ nhất từ 1kg/con trở lên, nên không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản”.

Lệ Giang

Nguồn: Theo https://www.bienphong.com.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết