Lào Cai: Hiệu quả nuôi cá tầm lồng bè trên hồ thủy điện

Adv thuysan247
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai triển khai mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại 2 xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) và xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà). Kết quả bước đầu sau 12 tháng, cá bình quân đạt 2 kg/con, hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi.

Mô hình nuôi cá tầm trong lồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nghề nông

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai triển khai mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại 2 xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) và xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà). Kết quả bước đầu sau 12 tháng, cá bình quân đạt 2 kg/con, hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi.

thuysan247.com

Nuôi trồng thủy sản ở Lào Cai còn nhiều khó khăn, hạn chế như quy mô ao hồ nhỏ lẻ, phân tán; chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống với phương thức quảng canh hoặc bán thâm canh bằng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ; việc khai thác nguồn nước sông và hồ chứa để đầu tư nuôi cá lồng thấp, hiệu quả chưa cao…

Vì vậy, khi triển khai mô hình ở 2 xã đều thuộc vùng khó khăn. Hiện 2 xã đang xây dựng nông thôn mới và nằm trong vùng quy hoạch, định hướng phát triển nuôi cá lồng của tỉnh, có nhu cầu phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, đặc biệt là lợi thế hồ chứa thủy điện Cốc Ly có nguồn nước sâu, sạch. Vì vậy, việc triển khai mô hình tại đây gặp một số khó khăn như: Trình độ nhận thức của các hộ nuôi cá lồng thấp, không đồng đều; khả năng áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho cá lồng, nhất là cá tầm còn hạn chế…

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã triển khai mô hình với mục tiêu trình diễn và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá tầm trong lồng bè trên sông hồ chứa theo hướng VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con. Đồng thời, là cơ sở góp phần nhân rộng, phát triển nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn.

Trong đó, Trung tâm triển khai từ khâu chọn điểm, chọn hộ đến khi hướng dẫn các hộ nông dân nuôi cá theo hướng thực phẩm an toàn theo hướng dẫn của bộ tiêu chí đánh giá VietGAP trong nuôi trồng thủy sản; phân công cán bộ có trình độ, có trách nhiệm và kinh nghiệm trực tiếp triển khai hướng dẫn nông dân thực hiện; hướng dẫn nông dân kỹ thuật làm lồng bè, thả cá và biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, phòng chống dịch bệnh cá…

Ngoài ra, để mô hình triển khai đảm bảo tiến độ và đạt kết quả cao, Trung tâm phối hợp với UBND các huyện Mường Khương và Bắc Hà và phòng ban chuyên môn của huyện trực tiếp kiểm tra giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện ở cơ sở. Do đó 100% các hộ có cá nuôi đúng đối tượng. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật. Lồng bè đảm bảo, qua 12 tháng nuôi cho hiệu quả khả quan.

Cụ thể, với cá nuôi trong mô hình: Cá tầm trong lồng của 4 hộ đến tháng 4/2022 có tỷ lệ sống 75%, trọng lượng bình quân 2 kg/con, lãi 293,2 triệu đồng, mỗi hộ lãi bình quân 73,3 triệu đồng trên 50 m3 lồng nuôi. Trên thực tế, mỗi lao động có thể nuôi với thể tích gấp 4 lần (tức 200 m3).

Trong khi đó, cá nuôi ngoài mô hình (cá diêu hồng): Sau 12 tháng trên 2 lứa nuôi cá diêu hồng trong lồng của 4 hộ có tỷ lệ sống 70%, trọng lượng bình quân 0,55 kg trên con, số lãi là 145 triệu đồng, mỗi hộ lãi bình quân 36,25 triệu đồng trên 50 m3. Thực tế, mô hình cho thấy mỗi lao động có thể nuôi thể tích gấp 4 lần (tức là 200 m3), thu nhập tương đương nuôi cá truyền thống khác như trắm cỏ, chép…

Trung tâm Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai so sánh: Sau 12 tháng nuôi, cá tầm trong lồng của mô hình có tỷ lệ sống bình quân 75%; trọng lượng cá bình quân đạt 2 kg/con, vượt kế hoạch về tỷ lệ sống 5% và vượt kế hoạch về trọng lượng 0,2 kg/con. So sánh trong mô hình với ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế tăng 202% (gấp 2 lần). Đặc biệt, nuôi cá tầm ở môi trường nguồn nước rộng, sạch, mát và được bổ sung thêm cá nhỏ tươi… nên chất lượng sản phẩm tốt hơn, công tác tiêu thụ thuận lợi và phát triển bền vững hơn.

Mô hình đã khai thác được thế mạnh của địa phương với hai hệ thống sông Hồng và sông Chảy, chảy qua nhiều huyện và gần 30 hồ đập thủy điện ở vùng cao… để phát triển về nghề nuôi cá lồng nói chung và cá tầm trong lồng bè nói riêng đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng thu nhập bền vững.

Bên cạnh đó, mô hình đã góp phần phổ biến kỹ thuật mới thông qua tham quan, hội thảo, tập huấn ngoài mô hình… để nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác và tạo nghề nuôi cá tầm trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nuôi trồng thủy sản. Các hộ nuôi tham gia mô hình đều rất phấn khởi và mong muốn mô hình được tiếp tục phát triển nhân rộng.

Trung tâm Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai nhận định, mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè thành công là hướng đi mới cần được nhân rộng, vừa là động lực hỗ trợ các địa phương vùng cao khai thác tiềm, năng lợi thế về hồ thủy điện, kết hợp tiểu khí hậu sinh thái tạo nguồn nước mát trong mùa hè để phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị nâng cao thu nhập bền vững.

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết