Những nhân tố quyết định đưa con tôm đi chính ngạch

Adv thuysan247
Để con tôm nuôi rộng đường đi chính ngạch sang Trung Quốc thì trước tiên phải thay đổi vùng nuôi. Theo đó, nông dân cần liên kết xây dựng vùng nuôi đủ lớn, quy trình nuôi an toàn, sạch bệnh và phải được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận.

Chỉ khi nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học, sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới rộng đường đi xuất khẩu chính ngạch.

Để con tôm nuôi rộng đường đi chính ngạch sang Trung Quốc thì trước tiên phải thay đổi vùng nuôi. Theo đó, nông dân cần liên kết xây dựng vùng nuôi đủ lớn, quy trình nuôi an toàn, sạch bệnh và phải được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận.

thuysan247.com

Hợp tác sản xuất ở trình độ cao

Không chỉ sản xuất, cung ứng tôm giống, Cty TNHH giống thủy sản Hưng Phú (Cty Hưng Phú, trụ sở tại TP Cần Thơ), còn xây dựng trang trại (chi nhánh Kiên Giang, tại xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao), để làm điểm xây dựng quy trình thả nuôi tôm 4 giai đoạn. Mục tiêu của đơn vị đặt ra là nuôi tôm an toàn sinh học, sạch bệnh và chỉ thu hoạch tôm cỡ lớn để bán được giá cao nhất có thể.

Ông Trần Tân Khoa, Tổng Giám đốc Cty Hưng Phú cho biết, đơn vị chuyên sản suất tôm giống, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1 tỷ con.

Tuy nhiên, do thời gian gần đây người dân phản ánh tôm nuôi không đạt đầu con nên đơn vị đã đầu tư xây dựng vùng nuôi này để kiểm chứng, đồng thời hoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển giao cho nông dân nhân rộng. Nông dân có thể đến trực tiếp khu nuôi tham quan, được các kỹ sư tư vấn về kỹ thuật nuôi tôm và cách phòng bệnh trên tôm nuôi.

“Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều cách nuôi, nhiều giai đoạn nuôi. Từ khâu sản xuất tôm giống, nuôi giai đoạn 1 ương vèo trên hồ nổi loại tròn, giai đoạn tiếp theo thả trong ao nuôi lót bạt và nuôi trên diện rộng. Ngoài ra, còn thực hiện cả mô hình “con tôm ôm gốc lúa” theo kiểu truyền thống của nông dân. Nhưng xây dựng chuẩn cao hơn đó là cả tôm và lúa đều đạt chuẩn hữu cơ”, ông Khoa trình bày về quy trình nuôi.

Đặc điểm của nhiều vùng nuôi tôm ven biển vùng ĐBSCL là mỗi năm có từ 6-8 tháng nước mặn (mùa khô), còn lại là mùa mưa nước ngọt. Những tháng mặn xâm nhập, nuôi tôm nước lợ như: tôm sú, thẻ chân trắng. Còn mùa mưa nước ngọt thì chuyển sang làm lúa, nuôi tôm càng xanh hoặc nuôi ghép cả tôm thẻ (tôm thẻ thích nghi được với môi trường độ mặn thấp). Công ty Hưng Phú đang phát triển theo xu hướng này.

Ông Khoa cho biết, trang trại của đơn vị có vuông nuôi diện tích 10 ha, đang chuẩn bị xuống giống lúa. Riêng tôm đã ương nuôi trong hồ được hơn 2 tháng, khi cây lúa 15-20 ngày, sẽ thả tôm lên ruộng nuôi quảng canh cải tiến. Mô hình này sẽ nuôi ghép tôm càng xanh chung với tôm thẻ chân trắng.

Đây là mô hình sản xuất tôm và lúa hữu cơ, thu hoạch vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2020. Dự kiến, tôm càng xanh sẽ thu hoạch cỡ 10 - 15 con, tôm thẻ chân trắng dưới 50 con/kg. Tất cả sẽ được thu hoạch, xuất khẩu tôm sống oxy sang một nước trong khu vực Châu Á.

Ông Nguyễn Văn Trường, ở xã Thủy Liễu tâm sự: “Trình độ sản xuất của người nông dân bây giờ đã được nâng lên khá nhiều, nếu được tập huấn thêm thì họ sẽ thực hiện được các yêu cầu kỹ thuật đặt ra.

Cái khó chính là việc liên kết để đảm bảo thị trường đầu ra ổn định. Chứ bỏ công sức ra nuôi tôm, trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hay cao hơn là hữu cơ, nhưng sau đó lại bán cho thương lái gom chung với các sản phẩm thông thường khác thì lợi nhuận không cao và uổng phí đi".  

Chính sách & tuyên truyền

Ông Lê Hữu Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT Gò Quao cho biết, hiện nay rất cần tuyên truyền để người nông dân biết và hiểu rõ về những yêu cầu, chính sách của các nước nhập khẩu. Họ cần phải biết mặt hàng nông sản mình làm ra sẽ được bán đi nước nào, các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu truy xuất nguồn gốc ra sao.

Theo ông Toàn, hiện nay khi thành lập hợp tác xã sản suất nông nghiệp, thủy sản, sẽ được chính quyền và ngành chuyên môn hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, như: làm đê bao khép kín, nạo vét kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất, thậm chí là xây dựng nhà xưởng, một số loại máy móc thiết yếu để sản xuất, sơ chế, đóng gói…

Đặc biệt là được tập huấn kỹ thuật theo yêu cầu, đối với từng mặt hàng sản xuất, chẳng hạn như quy trình sản xuất lúa hữu cơ, tôm VietGAP để có chứng nhận đảm bảo xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường cụ thể.

 

Liên kết để làm ra sản phẩm hàng hóa lớn, được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận, dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Quao Võ Chí Công, cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản ngọt, mặn, lợ của huyện những năm gần đây phát triển rất mạnh, diện tích tăng từ hơn 4 ngàn ha (năm 2015) lên trên 5 ngàn ha hiện nay, sản lượng thu hoạch năm 2018 đạt trên 14 ngàn tấn.

Năm 2019, huyện đặt mục tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 16 ngàn tấn, riêng 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 12 ngàn tấn. Riêng tôm nuôi nước lợ, diện tích đất quy hoạch thả nuôi là 4 ngàn ha, gồm các hình thức nuôi: tôm - khóm (tôm nuôi dưới mương trong vườn khóm), tôm - lúa, nuôi quảng canh tôm càng xanh, tôm thẻ, nuôi thâm canh công nghiệp… 

Đến nay, sản lượng thu hoạch đã vượt kế hoạch cả năm, với hơn 2.800 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Hiện huyện đang hỗ trợ người nông dân triển khai xây dựng các mô hình nuôi tôm quản lý cộng đồng, nuôi an toàn sinh học, tôm thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận của các cơ quan chức năng, truy xuất được nguồn gốc và đủ điều kiện xuất khẩu đi bằng con đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Nguồn: Theo Nông nghiệp Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết