Tôm nuôi dưới tán rừng ở Cà Mau được người tiêu dùng đánh giá cao Ảnh: VÂN DU
Cuối tuần này, 2 sự kiện festival về lúa gạo (Hậu Giang) và tôm (Cà Mau) đã khép lại, mở ra nhiều kỳ vọng, cơ hội mới cho ngành nông nghiệp ĐBSCL, đặc biệt là những nông sản, thủy sản do nhà nông làm ra.
Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, lão nông Trần Văn Triệu (ngụ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) được chọn là người trồng 10.000 chậu lúa để ban tổ chức xây dựng "Con đường lúa gạo Việt Nam" dọc bờ kênh xáng Xà No.
Hướng tới những cánh đồng phát thải thấp
Ông Triệu bày tỏ: "Thông qua festival này, tôi mong muốn hình ảnh lúa gạo Việt Nam sẽ vươn tầm ra thế giới, thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong và ngoài nước. Từ đó, lúa gạo Việt Nam sẽ có được đầu ra ổn định, giá thành luôn ở mức cao để nông dân ngày càng thêm phấn khởi".
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Lúa gạo Tân Long (tỉnh Hậu Giang), mong muốn thông qua festival lần này sẽ phát huy tối đa lợi thế của tỉnh - là đất đai màu mỡ để phát triển các ngành hàng nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng.
"Hy vọng sau festival, nông dân sẽ được định hướng để sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Riêng với ngành hàng lúa gạo Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều thị trường trên thế giới biết đến, đầu ra và giá cả ổn định để nông dân yên tâm sản xuất" - ông Thích nói.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, qua các chương trình tại festival, ban tổ chức muốn thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả; giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết nhiều thập niên trước đây, "chạy gạo từng bữa" là nỗi lo thường nhật của nhiều người, nhiều nhà. Giờ đây, cây lúa đã mở ra "đường lớn", đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng lẫn chất lượng.
Gạo Việt Nam đã nhiều lần được vinh danh trong nhóm ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao nông dân gắn bó với cây lúa quê hương. Từ nông dân, HTX trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, thương lái xuôi ngược khắp nơi, cộng đồng doanh nghiệp đến hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước…, tất cả đã cùng đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
"Quyền lợi, trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện để hướng tới những cánh đồng phát thải thấp" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát triển hệ sinh thái ngành tôm
Trong khi đó, sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 là dịp để tỉnh giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh cũng như nét đẹp về văn hóa, con người Cà Mau đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Qua festival, người nuôi tôm kỳ vọng ngành chức năng và các chuyên gia sẽ tìm ra những phương pháp giúp tôm nuôi đạt năng suất cao, hạn chế rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Quận - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cho hay ông rất tự hào khi địa phương tổ chức sự kiện quy mô lớn về con tôm, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp lớn.
"Con tôm là nguồn thu nhập chính của hộ nuôi. Giá tôm nguyên liệu giảm thời gian qua khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Mong rằng sau sự kiện này, các ngành chức năng sẽ tìm ra giải pháp giúp giá tôm nguyên liệu tăng trở lại như trước" - ông Quận bộc bạch.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh tận dụng lợi thế về tài nguyên biển và rừng để tập trung phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ… Con tôm đã trở thành sản phẩm không thể tách rời trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Hằng năm, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt trên 600.000 tấn. Trong đó, tôm đạt hơn 250.000 tấn, chiếm khoảng 22% sản lượng cả nước; kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỉ USD.
Cà Mau đã đóng góp quan trọng vào việc lần đầu Việt Nam xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỉ USD và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới. Sản phẩm tôm Cà Mau đã chinh phục nhiều thị trường khó tính bằng uy tín và chất lượng khi có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ với 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU.
"Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch rất ý nghĩa, nhằm tôn vinh những nông dân gắn bó với nghề nuôi tôm, những người góp phần đưa mặt hàng chủ lực của tỉnh vươn ra thế giới cũng như lời tri ân đến người tiêu dùng… Mong rằng qua sự kiện này, thương hiệu tôm Cà Mau, sản vật tiềm năng của Cà Mau và các địa phương ĐBSCL, sẽ vươn xa hơn. Cà Mau cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu, tham gia phát triển sản xuất - kinh doanh ở địa phương" - ông Huỳnh Quốc Việt khẳng định.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ ra những khó khăn, thách thức của ngành hàng tôm cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng. Theo ông, để phát triển hiệu quả và gia tăng giá trị thì ngành nông nghiệp nói chung, Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm.
"Cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Tôn vinh làng hoa hơn 300 năm tuổi
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc với chủ đề "Tình đất - Tình hoa" lần đầu tiên được tỉnh tổ chức sẽ là dịp tôn vinh làng hoa hơn 300 năm tuổi; đồng thời phát huy các giá trị kinh tế - văn hóa của hoa kiểng gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
"Qua sự kiện Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I-2023, chúng tôi muốn giới thiệu với người dân và du khách hình ảnh vùng đất Sen Hồng nghĩa tình, năng động, sáng tạo với những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống - một điểm đến an toàn và thân thiện" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc sẽ diễn ra từ ngày 30-12-2023 đến 5-1-2024. Để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện này, Đồng Tháp đang tập trung triển khai đầu tư, chỉnh trang, hoàn thành nhiều dự án. Trong đó, quy mô nhất là dự án công trình cải tạo, nâng cấp quảng trường TP Sa Đéc với tổng kinh phí 140 tỉ đồng, trên diện tích 7,4 ha.
Thời điểm này, các loại hoa, kiểng phục vụ trang trí festival và Tết Nguyên đán 2024 đang được người dân làng hoa Sa Đéc tích cực chăm sóc. Một số sản phẩm theo đơn đặt hàng để phục vụ festival được người dân xử lý ra hoa sớm, với chất lượng đồng đều.
Ông Đặng Quang Giàu - Tổ trưởng Tổ Sản xuất và Cung ứng hoa kiểng phường An Hòa, TP Sa Đéc - cho biết số lượng hoa đặt hàng cho festival khoảng 130.000 chậu, gồm: cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, cúc tiger, vạn thọ, hồng các loại…
LÊ HOÀNG - VÂN DU - VĨNH KỲ
Nguồn: Theo BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết