Phát triển đồng quản lý thủy sản: Cần bắt đầu từ nội lực cộng đồng

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Ngày 8-12, tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đối thoại “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan; ông Đinh Văn Thiệu; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cùng chủ trì hội nghị đối thoại.

Ngày 8-12, tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đối thoại “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.

thuysan247.com

Tại hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đồng quản lý thủy sản phải bắt nguồn từ nội lực cộng đồng, Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì ngư dân chưa có.

Nhờ đồng quản lý mà nguồn lợi thủy sản phục hồi

Luật Thủy sản năm 2017 quy định cơ chế đồng quản lý thủy sản. Theo đó, đồng quản lý nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. Đồng quản lý góp phần thúc đẩy tự chủ và đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề khai thác thủy sản bền vững, góp phần bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - chuyên gia bảo tồn của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ngư dân ở Cù Lao Chàm rất mê đồng quản lý vì nhận ra những nơi nào có đồng quản lý thì nơi đó bảo vệ được hệ sinh thái, giàu nguồn lợi thủy sản, tạo môi trường làm việc và đưa ra được sáng kiến quan trọng. Qua theo dõi, Tiến sĩ Trinh cho rằng, năng lực cộng đồng cần được chú ý khi vận hành mô hình đồng quản lý. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế chăm sóc, bồi dưỡng cho ngư dân tham gia thảo luận, đối thoại, tạo sự đồng thuận khi triển khai đồng quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với ngư dân ở Cảng cá Hòn Rớ vào chiều 8-12.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với ngư dân ở Cảng cá Hòn Rớ vào chiều 8-12.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2023, Khánh Hòa đã công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh). Đây là mô hình đồng quản lý đầu tiên của Khánh Hòa được công nhận và giao quyền quản lý theo đúng Luật Thủy sản năm 2017. Hội nghị đối thoại “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm” là dịp để Khánh Hòa học hỏi kinh nghiệm về thực hiện đồng quản lý của các địa phương. Từ đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp nhân rộng mô hình đồng quản lý trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như giúp tỉnh có thêm kinh nghiệm trong việc quản lý dựa vào cộng đồng.

Chủ trì hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cơ chế đồng quản lý chính là sự hài hòa giữa nguồn lực nhà nước hữu hạn và nhu cầu xã hội vô hạn; là chia sẻ trách nhiệm để cùng gánh vác. Cơ chế nhà nước thiên về hành chính, không thể theo kịp chuyển biến hàng ngày trong thực tế nên cần cơ chế đồng quản lý để ngư dân tham gia. Muốn phát triển đồng quản lý thì phải bắt nguồn từ nội lực của cộng đồng trước chứ không phải từ bộ, ngành đưa xuống. Cái gì ngư dân còn thiếu thì Nhà nước, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ giúp nâng cao năng lực cộng đồng.

Đề nghị lấy năm 2024 là năm cộng đồng đồng quản lý

Theo thống kê của Hội Thủy sản Việt Nam, sau khi Luật Thủy sản ra đời, có 27 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật, với khoảng gần 2.100 ngư dân tham gia đồng quản lý trên diện tích 117.000ha tại 9 tỉnh, thành phố có biển. Một trong những mô hình đồng quản lý được thành lập sớm nhất sau khi có Luật Thủy sản là các mô hình tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác đồng quản lý song mô hình tại huyện Hàm Thuận Nam cũng như các địa phương là bằng chứng thiết thực cho sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đặt con người làm trọng tâm của hoạt động bảo tồn và phát triển sinh kế thủy sản.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam bày tỏ quan điểm: Không duy trì được nguồn lợi thủy sản và không bảo vệ được môi trường sống thì sẽ không có nghề cá bền vững và ngư dân sẽ tiếp tục nghèo khó. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách giải quyết đồng bộ 3 vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường, có thể gọi là “tam ngư” thì mới phát huy được sức mạnh của ngư dân và nghề cá trong tương lai, bảo vệ được ngư trường và chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đồng quản lý nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. Bộ trưởng yêu cầu tăng cường hơn nữa cơ chế vận hành hiệu quả, với sự đóng góp về kỹ thuật và tài chính từ các cơ quan nhà nước lẫn khối tư nhân tại địa phương để tiếp tục mang lại những kết quả hữu hình, góp phần phát triển nghề cá lớn mạnh dựa vào sức dân, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và với các thế hệ mai sau. Để phát huy vai trò của đồng quản lý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị lấy năm 2024 là năm cộng đồng đồng quản lý đối với nghề cá Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN CHU HỒI - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam: Hiện nay, cả nước triển khai Luật Thủy sản năm 2017 với các hoạt động tập trung vào phát triển nghề cá bền vững, nghề cá có trách nhiệm và quản lý tổng hợp nghề cá, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn lúc nào hết, ngư dân phải siết chặt đội ngũ, thực sự làm chủ vùng biển của Tổ quốc, trước hết làm chủ các nguồn lợi hải sản quý giá đang ngày càng cạn kiệt. Thông qua phương thức đồng quản lý, Nhà nước và ngư dân “cùng làm, cùng hưởng”, các bên cùng bảo tồn thiên nhiên biển và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển đã thiết lập, ngăn ngừa đánh bắt cá bất hợp pháp để sớm phục hồi nguồn lợi hải sản.

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Nguồn: Theo BÁO KHÁNH HÒA
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết