Theo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, ước tính tháng 11/2023, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh Hậu Giang đạt 68,29 ha, tăng 17% (bằng 9,92 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 11.141,92 ha, đạt 100,38% so kế hoạch năm và kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thủy sản trên ruộng lúa (11.100 ha) và tăng 24,69% (bằng 2.206,22 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, diện tích nuôi cá được 10.934,45 ha, tăng 24,88% (bằng 2.178,46 ha). Trong đó, diện tích nuôi cá thát lát được 83,15 ha, tăng 2,02% (bằng 1,65 ha) so cùng kỳ; diện tích nuôi tôm được 97,20 ha, tăng 0,73% (bằng 0,7 ha) tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ (nuôi tôm sú); diện tích nuôi thủy sản khác được 110,27 ha, tăng 32,52% (bằng 27,06 ha). Thể tích nuôi lươn được 18.970 m3, tăng 54,86% (bằng 6.720 m3) so cùng kỳ.
Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh Hậu Giang tháng 11/2023 đạt 68,29 ha. Ảnh: HTX Kỳ Như
Ước tính tháng 11/2023, tổng sản lượng thủy sản được 7.838,47 tấn, tăng 10,10% (bằng 719.08 tấn) so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản được 73.523,1 tấn, đạt 85,49% so kế hoạch năm (86.000 tấn) và tăng 6,53% (bằng 4.504,76 tấn) so với cùng kỳ. Chia ra:
Sản lượng thủy sản khai thác 11 tháng ước được 2.361,48 tấn, giảm 1,26% (bằng 30,23 tấn) so cùng kỳ. Do nguồn lợi thủy sản khai thác nội địa từ tự nhiên đang có chiều hướng giảm.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 11 tháng ước được 71.161,62 tấn, đạt 85,43% so kế hoạch năm (83.300 tấn) và tăng 6,81% (bằng 4.534,99 tấn) so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá thát lát thu hoạch được 4.147,50 tấn, tăng 4,3% (bằng 170,81 tấn) so cùng kỳ; sản lượng lươn thu hoạch được 1.515,95 tấn, tăng 60,83% (bằng 573,38 tấn) so với cùng kỳ. Đây là 1 trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Hiện toàn tỉnh có hơn 70 ha nuôi cá thát lát, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ. Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi cá thát lát đạt 150 ha, với sản lượng cá thát lát 13.500 tấn.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng nhiều mô hình nuôi thủy sản thích nghi tại địa phương và có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cá thát lát. Nhiều hộ nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá thát lát và có nhiều hợp tác xã với quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, cung ứng thức ăn cho các xã viên, liên kết bao tiêu đầu ra.
Nhờ ưu điểm thịt cá săn chắc, giòn, cá thát lát Hậu Giang và các sản phẩm chế biến từ loài thủy sản này đang được tiêu thụ mạnh. Không chỉ dừng lại việc tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng trong nước, giờ đây, bà con Hậu Giang còn đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm từ cá thát lát để chinh phục các thị trường nước ngoài.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, hộ dân, HTX xây dựng mô hình quản lý cộng đồng các hoạt động sản xuất thủy sản, trong đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, áp dụng quy trình GAP. Xây dựng mô hình sản xuất công nghiệp, mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, HTX, doanh nghiệp nuôi thủy sản với các doanh nghiệp chế biến, các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước có khả năng tiêu thụ sản phẩm…
Vũ Mưa
Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết