Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất

Adv thuysan247
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá dìa đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Đây được xem là đối tượng phù hợp cho các ao nuôi kém hiệu quả, giúp cải thiện môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh phát sinh.

Cá dìa là đối tượng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá dìa đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Đây được xem là đối tượng phù hợp cho các ao nuôi kém hiệu quả, giúp cải thiện môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh phát sinh.

thuysan247.com

Yêu cầu ao

Ao nuôi có thể là hình chữ nhật hoặc hình vuông với diện tích từ 1.000 – 10.000 m2, tốt nhất là 3.000 – 5.000 m2, độ sâu trung bình 1,5 – 2 m nước. Ao nuôi chủ động được nguồn nước sạch và dễ thay nước. Bờ ao chắc chắn, cao hơn đỉnh triều để tránh thất thoát khi mưa lớn. Nếu có điều kiện nên kè bờ bằng bê tông hoặc xây gạch để hạn chế xói lở khi vận hành máy quạt nước. 

Mỗi ao cần có cống cấp và tiêu nước riêng để thuận tiện cho việc thay đổi nước. Đáy ao bằng phẳng và dốc về cống thoát nước.

Cá dìa là đối tượng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng

Chuẩn bị

Đối với ao nuôi mới: Cấp và tháo nước vào ao từ 2 – 3 lần để rửa ao, bón vôi giúp ổn định pH đất, lượng bón từ 7 – 10 kg/100 m2, thay nước ra nước vào 1 – 2 lần nữa sau đó lấy nước vào ao tiến hành đo độ pH nếu ổn định ở mức trên 6,5 thì tiến hành gây màu nước bằng phân chuồng, lượng phân bón với ao mới đào cần bón từ 25 – 30 kg/100 m2, ngoài ra cũng có thể sử dụng phân vô cơ để gây màu.

Đối với ao cũ: Cần tát cạn nước ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại mức 20 cm bùn đáy, san phẳng đáy giúp sinh vật đáy phát triển tốt và tiện thu hoạch.

Dùng vôi bột rắc đều đáy và quanh bờ ao nhằm làm môi trường đáy tơi xốp, diệt ký sinh trùng gây bệnh, giúp pH, môi trường nước luôn ổn định. Lượng vôi bón 7 – 10 kg/ 100 m2, sau đó tháo nước vào tháo rửa 1- 2 lần. Thời gian phơi ao phụ thuộc vào thời tiết để đảm bảo ao có phơi khô. Thời gian phơi đáy tối thiểu 7 ngày. Tiêu chuẩn ao sau khi phơi: đáy ao khô, nứt chân chim (Lưu ý: nếu đáy ao bị nhiễm phèn thì chỉ nên phơi khô đáy ao không phơi nứt chân chim)

Cấp nước và bón phân gây màu nước: Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu ra của máy bơm, để tránh cá tạp, cá dữ xâm nhập vào ao. Khi lấy nước vào cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Khi nước nước đạt từ 1 – 1,5 m tiến hành bón phân gây màu nước để tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Sau 3 – 5 ngày nước ao có màu xanh lá chuối non hoặc vỏ đỗ thì tiến hành thả giống.

Con giống

Cá dìa giống thường được đánh bắt, thu gom ngoài tự nhiên, nên chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị xây xát, lở loét. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ tốt nhất là 20 – 25 g/con trở lên.

Thời gian thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.

Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 g muối + 1 lít nước) trong thời gian 5 – 10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.

Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 – 15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra.

Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ôtô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.

Mật độ thả nuôi: Cá dìa kích cỡ 6 – 8 cm, mật độ 2 – 3 con/m2.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi cá dìa là thức ăn công nghiệp và các loại rong có sẵn trong ao hoặc thu vớt từ tự nhiên. Cho cá ăn ngày 2 lần, thời gian cho ăn vào buổi sáng: 7 – 8 giờ và buổi chiều: 16 – 17 giờ. Lượng thức ăn dao động 2 – 10% trọng lượng cá, tùy giai đoạn.

Ngoài ra, cá dìa có thể sử dụng rong tảo tự nhiên có trong ao để làm thức ăn. Nếu rong trong ao không có thì vớt rong ngoài tự nhiên để làm thức ăn cho cá. Định kỳ bổ sung Vitamin C với liều lượng 5 g/kg thức ăn, men tiêu hóa 5 g/kg thức ăn kết hợp với dầu mực 10 – 15 ml/kg thức ăn.

Quan sát tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến thời tiết để tính toán lượng thức ăn cho phù hợp.

Hàng ngày kiểm tra ao ít nhất 1 – 2 lần để phát hiện các hiện tượng bất thường của cá nuôi, đặc biệt chú ý vào ban đêm và sáng sớm khi lượng ôxy hòa tan trong nước ao thấp cá dễ nổi đầu.

Kiểm tra bờ bao, cống cấp thoát nước xem có bị rò rỉ hay không để kịp thời tu sửa, tránh cá bị thất thoát ra ngoài.

Thường xuyên giữ nước ao có màu xanh nõn chuối hoặc vỏ đỗ là tốt nhất.

Những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc mưa rào trời âm u thì phải dừng bón phân và giảm lượng thức ăn cho ăn hàng ngày xuống từ 30 – 50%.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 4 tháng, khi cá đạt kích thước 200 – 250 g/con thì có thể tiến hành thu hoạch

 

 

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết