Người nắm bắt cơ hội làm giàu từ biển

Adv thuysan247
Cũng giống như bao người dân trên đảo, anh Lê Bá Tùng (khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) từng mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản. Biển đảo Cô Tô nằm trong ngư trường vịnh Bắc bộ giàu nguồn lợi và rộng lớn, cộng với sự cần cù, sáng tạo và giỏi nghề biển đã giúp anh Tùng lần lượt nắm bắt được những cơ hội làm giàu.

Anh Lê Bá Tùng (áo xanh) kiểm tra sản phẩm sứa muối nguyên liệu tại xưởng chế biến sứa của mình

Cũng giống như bao người dân trên đảo, anh Lê Bá Tùng (khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) từng mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản. Biển đảo Cô Tô nằm trong ngư trường vịnh Bắc bộ giàu nguồn lợi và rộng lớn, cộng với sự cần cù, sáng tạo và giỏi nghề biển đã giúp anh Tùng lần lượt nắm bắt được những cơ hội làm giàu.

thuysan247.com

Giờ đây, anh Lê Bá Tùng là “tay” thu mua hải sản, là ông chủ xưởng chế biến sứa lớn và là Giám đốc Công ty TNHH MTV Khánh Linh, với loại hình kinh doanh khách sạn, nhà hàng phục vụ ăn uống.

Theo anh Tùng, nhiều năm trước, Cô Tô có quá nhiều cá tôm, thế nhưng vì xa đất liền, nên hầu như người dân khai thác về chỉ tiêu dùng trong huyện. Việc buôn bán thủy sản nhiều khi “va vào nhau” vì hầu như nhà nào trên đảo cũng là ngư dân. Từ trăn trở này khiến anh Tùng sớm quyết tâm sắm tàu dịch vụ để thu mua hải sản của bà con rồi mang về đất liền cất bán.

Dịch vụ hải sản có lẽ không hề dễ dàng với ngư dân chuyên nghề thả lưới buông câu trên biển như anh Tùng. Đã không ít lần vì thiếu kinh nghiệm bảo quản mà cá tôm phải đổ bỏ khi tàu chưa kịp cập bến, cũng có khi giá sản phẩm đầu ra thấp hơn đầu vào vì bị tư thương chèn ép. May mắn là thất bại đã không làm người dân biển Cô Tô Lê Bá Tùng nản lòng, ngược lại còn cho anh thêm những bài học để trưởng thành.

Hiện nay, mỗi năm anh Tùng thu mua đến 100 tấn hải sản, cao điểm đạt 200 tấn, rồi cất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, một số kênh xuất khẩu sang Trung Quốc. Đầu năm 2022, anh Tùng chi gần 5 tỷ đồng sắm mới tàu thu mua hải sản bằng vật liệu composite có khoang chứa hàng hiện đại, đảm bảo ATTP, là một trong ít phương tiện tàu dịch vụ hải sản của Quảng Ninh đạt chuẩn theo quy định mới hiện nay. Với phương tiện này, chất lượng thủy, hải sản của anh Tùng được đảm bảo hơn, được thị trường chấp nhận với giá cao hơn, doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

Quá trình buôn bán hải sản cần mẫn đã cho anh Tùng một nguồn lực tài chính nhất định, đây cũng là cơ sở để anh quyết định mở xưởng chế biến sứa sớm nhất trên đảo Cô Tô. Anh Tùng tâm sự: Biển cả Cô Tô với sản lượng sứa đánh bắt mỗi vụ lớn nhất tỉnh, thế nhưng những xưởng chế biến sứa đầu tiên của Quảng Ninh lại nằm ở Vân Đồn, người dân Cô Tô khi đó chấp nhận bán sứa nguyên con ngay trên biển với giá rẻ như cho thương lái.

Hiện xưởng chế biến sứa của anh Tùng đã đạt quy mô 3.000m3 bể chứa và muối sứa, sản lượng đạt 300-500 tấn/năm, chủ yếu là sản phẩm sứa nguyên liệu thái miếng, hoặc sứa ăn liền, tạo việc làm cho cả trăm lao động khi chính vụ chế biến.

Những năm gần đây, cùng với các hoạt động sản xuất thủy sản trên biển, anh Lê Bá Tùng còn kết hợp phát triển dịch vụ du lịch. Theo anh Tùng, khi những du khách đầu tiên đến với Cô Tô là Cô Tô đã có những cơ hội phát triển mới. Nhiều người dân Cô Tô đã biết chuyển đổi để nắm bắt cơ hội này, mình cũng vậy, chuyển đổi để bắt kịp. Trong khi đó, mình còn có lợi thế hơn về nguồn đặc sản biển Cô Tô tươi sống, giá rẻ, sẵn sàng phục vụ du khách, hỗ trợ cho phát triển dịch vụ du lịch.

Chiếc tàu thu mua hải sản đạt chuẩn mới được anh Lê Bá Tùng trang sắm, phục vụ tốt hơn cho công việc của mình.

Có lẽ chính vì vậy mà Công ty TNHH MTV Khánh Linh của anh Lê Bá Tùng ra đời, đáp ứng cả về nhu cầu của du khách cả về lưu trú và ăn uống. Doanh nghiệp này nhanh chóng lấy được sự tín nhiệm của khách hàng và hiện là một trong những địa chỉ dịch vụ du lịch ăn khách tại Cô Tô.

Có thể thấy sự nhanh nhạy và chịu đổi mới mình đã giúp ngư dân Lê Bá Tùng nắm bắt được những cơ hội làm giàu trên vùng biển đảo Vân Đồn. Hiện nay doanh thu từ các dịch vụ buôn bán thủy hải sản, chế biến sứa và dịch vụ du lịch của anh Tùng đạt đến 30-50 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận đạt 10-15%. Anh Lê Bá Tùng là một trong ít nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình của huyện Cô Tô.

Việt Hoa

Nguồn: Theo https://baoquangninh.com.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết