Đa dạng mô hình sản xuất cá trê vàng

Adv thuysan247
 Cá trê vàng rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá thơm ngon, bán được giá cao… Đây cũng là loài thủy sản được một số hộ dân tại các địa phương đưa vào sản xuất với nhiều phương thức khác nhau, nhằm gia tăng thêm kinh tế gia đình.

Cá trê vàng rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá thơm ngon, bán được giá cao… Đây cũng là loài thủy sản được một số hộ dân tại các địa phương đưa vào sản xuất với nhiều phương thức khác nhau, nhằm gia tăng thêm kinh tế gia đình.

thuysan247.com

Nuôi trong ao đất

Thành lập từ năm 2021 đến nay, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã thành công với mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất.

Ông Lê Văn Thông, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Tây hầu như nhà nào cũng có ao nuôi cá nhưng chủ yếu là cá tạp, không mang lại hiệu quả kinh tế. Nhận thấy cá trê vàng là loài cá bản địa, ông Thông nảy ra ý tưởng sử dụng thức ăn công nghiệp trong việc nuôi cá và bắt đầu nuôi thử nghiệm bước đầu thấy cá phát triển tốt, lợi nhuận tương đối khá. Với ao đầu tiên, ông Thông thu được lợi nhuận 50 triệu đồng, ao thứ 2 được 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá trê vàng, nhiều người dân địa phương có nhu cầu nuôi nhưng lại chưa có kỹ thuật, do đó, HTX được thành lập với mong muốn hỗ trợ các thành viên tạo ra sản phẩm đặc thù có giá trị, nâng cao thu nhập. Đến nay, HTX có 10 thành viên với tổng diện tích ao nuôi khoảng 6 ha, cung cấp ra thị trường 6 – 7 tấn cá giống và khoảng 100 tấn cá trê vàng thịt/năm. Được biết, hiện nay, tiềm năng của cá trê vàng rất ổn định. Thị trường cá trê vàng thịt của HTX là khu vực miền Tây, miền Trung, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia. Thời gian tới, HTX sẽ ký hợp đồng với Công ty TNHH XNK Agri Vina để xuất khẩu cá trê vàng sang thị trường Mỹ; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký sản phẩm OCOP cho cá trê vàng Mỹ Thạnh Tây, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất. Ảnh: Huỳnh Hương

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) Long An đã phối hợp với TTDVNN huyện Đức Huệ và UBND xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn “Nuôi cá trê vàng trong ao đất” tại nhà ông Lê Văn Thông, ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ. Với nguồn kinh phí từ TTDVNN tỉnh Long An, hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống tương đương với 7.500 con, 50% thức ăn tương đương với 575 kg thức ăn công nghiệp dạng viên, còn lại vốn đối ứng đóng góp của người dân, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ tại TTDVNN tỉnh Long An và huyện Đức Huệ. Hộ tham gia mô hình đã tiến hành thả nuôi trình diễn trên tổng diện tích 700 m2 với mật độ 6 con/m2, độ sâu mực nước 1,2 – 1,5 m. Sau 5 tháng nuôi, hiện tại trọng lượng cá đạt 500 – 600 g/con. Sau 5 tháng nuôi chủ hộ đã thu hoach cá trê vàng năng suất đạt 6 tấn/ha, tỷ lệ sống ước đạt 96%; ước tính lãi trung bình từ 40 – 45 triệu đồng/mô hình.

Nuôi trong ruộng lúa

Sau khi được Tổ kinh tế kỹ thuật xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trê vàng luân canh trong ruộng lúa vào tháng 6/2019; ông Trần Văn Kiệt, 44 tuổi, ở ấp Cây Bàng đã mạnh dạn đầu tư vốn vào nuôi cá với 400 m2 mặt nước ao và 10.000 m2 mặt ruộng và tiến hành thả 50 kg cá trê vàng giống (cỡ cá trê giống 200 con/kg); nguồn giống này được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 50% tiền giống cá và 30% tiền mua thức ăn.

Trong tháng đầu tiên, ông Kiệt cho cá trê ăn bằng thức ăn công nghiệp 35% đạm. Thức ăn cho cá trê được để trong khung lưới cho cá ăn (ngang 2 m dài 3 m) đặt ở giữa ao, nhằm mục đích dễ quản lý và tập cho cá quen dần với môi trường ao nuôi. Từ tháng thứ 2 ông Kiệt đưa cá trê lên ruộng lúa, trước khi đưa lên ruộng lúa ông Kiệt đăng lưới bao cách bờ 1 m xung quanh ruộng nuôi và lưới bao cao hơn đỉnh lũ 0,5 m để tránh cá trê thoát ra ngoài và tiếp tục cho cá ăn thức ăn hiệu con cò với 30% đạm.

Cùng đó, trong quá trình nuôi, ông Kiệt cũng thường xuyên theo dõi nước ao nuôi, khi có mưa lớn kéo dài thì ta bón vôi xung quanh bờ ao và kiểm tra pH ao nuôi nếu thấy pH thấp dưới 7 thì hòa nước vôi tạt đều khắp ao với liều lượng 3 kg/100 m2, tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá.

Trong 2 tháng đầu định kỳ 15 ngày, ông Kiệt thay nước ao nuôi cá trê một lần. Mỗi tuần một lần, ngoài ra ông Kiệt còn trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất vào trong thức ăn cho cá, nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh. Sau 2 tháng nuôi cá trê vàng trong ao, ông chuyển cá sang ruộng nuôi trong ruộng lúa khi lúa vừa mới cắt xong. Theo tính toán của ông Kiệt, đầu tư 0,6 kg thức ăn (công nghiệp) thì thu được 1 kg cá trê vàng thương phẩm, hệ số thức ăn thấp là do thời gian cá lên ruộng lúa cá ăn thức ăn tự nhiên giảm ăn thức ăn công nghiệp.

Ông Kiệt cho biết, sau 5 tháng nuôi, cá trê vàng đạt trọng lượng bình quân 5 – 6 con/kg, sản lượng đạt 767 kg cá trê vàng thương phẩm, giá cá trê vàng thương phẩm là 75.000 đồng/kg. Với mô hình nuôi cá trê vàng trong ruộng lúa, ông Kiệt có tổng thu nhập 57,525 triệu đồng; sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông lãi hơn 27,5 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện mô hình này, Ông Kiệt cho hay, nuôi cá trê vàng luân canh trên ruộng lúa, tuy chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại cá này rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá thơm ngon, bán được giá cao… Người nuôi chỉ cần cho đàn cá ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho cá đúng quy trình kỹ thuật thì cá tăng trưởng nhanh, đồng đều và đạt lợi nhuận đáng kể. ông Kiệt cho biết thêm, trong thời gian tới, ông vẫn tiếp tục đầu tư nuôi cá trê vàng luân canh trên ruộng lúa.

Hồng Hạnh

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết