Phòng, trị một số bệnh trên ếch

Adv thuysan247
Ếch là đối tượng được nuôi nhiều ở nước ta với ưu điểm dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ếch thường gặp một số bệnh ảnh hưởng đến chất lượng và tỷ lệ sống của ếch.

Thường xuyên kiểm tra ếch để phát hiện bệnh kịp thời

Ếch là đối tượng được nuôi nhiều ở nước ta với ưu điểm dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ếch thường gặp một số bệnh ảnh hưởng đến chất lượng và tỷ lệ sống của ếch.

thuysan247.com

Bệnh chướng hơi ở ếch con

Nguyên nhân: Ếch bị sốc do môi trường nước thay đổi nhiều và đột ngột, hoặc do ăn nhiều thức ăn không tiêu hóa hết.

Dấu hiệu: Bụng ếch căng to, ếch ít di chuyển và vận động khó khăn. Một số ếch thấy hậu môn lòi ra, ruột sưng và có màu đỏ, trong ruột có dịch lỏng lẫn thức ăn.

Cách phòng trị: Khi phát hiện ếch bệnh cần ngưng cho ăn từ 1 – 2 ngày, vệ sinh, sát trùng thật sạch môi trường nước nuôi ếch với sunfat đồng (CuSO4) 0,5 – 0,7 g/m3, nước muối 3%. Hạn chế thay nước, khi thay nước chỉ thay 1/3 lượng nước trong bể. Định kỳ bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn cho ếch ăn. Nên chọn mua ếch giống từ trại giống có môi trường nước giống với môi trường nước nuôi để tránh hiện tượng ếch bị sốc do thay đổi môi trường. 

Bệnh đường ruột

Nguyên nhân: Là do chất lượng thức ăn kém, ôi thiu.

Dấu hiệu: Ếch bị phân trắng, phân sống. Hậu môn đỏ, bóp hậu môn thấy có máu chảy ra.

Biện pháp phòng trị: Cho 1 viên Ganidan/1.000 – 3.000 con/ngày, trộn vào thức ăn cho ăn liên tục trong 3 – 4 ngày. Trộn xen kẽ men tiêu hóa và thuốc kháng sinh vào thức ăn cho ếch ăn liên tục trong 4 – 5 ngày, liều lượng 5 g thuốc/kg thức ăn. Khi ếch bị bệnh phải giảm lượng thức ăn xuống còn 50% lượng thức ăn hàng ngày. Không cho ếch ăn thức ăn kém chất lượng.

Bệnh đỏ chân

Nguyên nhân: Do môi trường nước nuôi bị nhiễm khuẩn.

Dấu hiệu: Ở đùi ếch có những đốm đỏ, sau vài ngày không chữa kịp thời sẽ bị lở loét. Bệnh thường thấy ở ếch giống. Khi giải phẫu thấy xoang bụng có hiện tượng xuất huyết, có dịch lỏng màu vàng.

Cách phòng trị: Giữ cho môi trường nước sạch sẽ, không nuôi quá dày, nên lắng lọc nước một ngày trước khi sử dụng. Khi ếch bệnh tách riêng ra ngâm trong thuốc tím, đồng thời trộn thuốc kháng sinh (Enrofloxacin hoặc Oxytetracycline) vào thức ăn cho ếch ăn liên tục trong 7 – 10 ngày.

Bệnh trùng bánh xe

Nguyên nhân: Bệnh do ký sinh trùng Trichodina ký sinh trên da ếch ở giai đoạn nòng nọc. Bệnh thường phát triển nhanh vào những dịp trời âm u, không nắng hoặc mưa kéo dài, nhiệt độ tương đối thấp.

Dấu hiệu: Khi bị trùng bánh xe ký sinh, da ếch tiết nhiều dịch nhờn, tạo ra những đốm có màu trắng bạc, trên da tiết đầy dịch nhầy làm cho ếch thở rất khó khăn.

Phòng bệnh: Vệ sinh ao, bể thay nước và cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, cho ếch ăn vừa đủ, đừng để thừa thức ăn nhằm tránh hiện tượng nước bẩn gây ra bệnh cho ếch.

Trị bệnh: Phun Sulphat đồng với liều lượng 1,5 g/m3 nước; tắm cho ếch với liều lượng 5 – 7 g CuSO4/m3 nước trong vòng 10 – 15 phút hoặc trong nước muối 2 – 3% trong vòng 10 – 15 phút.

Bệnh nấm

Nguyên nhân: Do môi trường ao nuôi xấu tạo điều kiện cho nấm Achya sp  ký sinh trên thân ếch đặc biệt là ở các khe giữa các ngón chân.

Dấu hiệu: Toàn thân hay ở bẹn, nách ếch có những búi nấm trắng có thể thấy bằng mắt thường. Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn ếch nuôi 2 – 3 tháng tuổi

Phòng bệnh: Thường xuyên theo dõi ao, bể nuôi, thay nước ao nếu phát hiện có mùi hôi và ếch giảm ăn đột ngột, có những dấu hiệu bất thường.

Điều trị: Khi ếch bệnh có thể trị bằng cách tắm ếch với dung dịch Formalin nồng độ 20 – 25 ml/m3, sau 3 ngày tiến hành thay nước.

Bệnh ghẻ lở

Nguyên nhân: Do ếch cắn lẫn nhau hoặc do ếch nhảy cọ xát với thành bể bị trầy xước. Vết thương nhiễm trùng gây ghẻ lở.

Cách phòng trị: Hạn chế tiếng động và bóng người lui tới làm ếch hoảng sợ, phân cỡ thường xuyên để con lớn không cắn con nhỏ, cho ăn bằng sàng ăn. Tách riêng những con bị ghẻ ra bôi thuốc kháng sinh và ngâm tắm thuốc sát trùng sau vài ngày sẽ lành vết thương.

Phòng bệnh tổng hợp

Trước lúc thả nuôi hoặc sau khi thu hoạch phải vệ sinh bể thật kỹ, tẩy vôi, phơi nắng đáy ao trước khi thả ếch vào nuôi.

Không để ếch bị xây xát, khuấy động làm ếch giật mình căng thẳng.

Thường xuyên vệ sinh ao, bể giữ nước sạch, nếu con nào bị chết phải loại bỏ ngay.

Chất lượng thức ăn phải tốt không ôi thiu, ẩm mốc.

Thường bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa… trong thức ăn.

Theo dõi và kiểm tra ếch thường xuyên nhằm phát hiện sự cố xảy ra trong ao, bể nuôi.

Có bóng mát che nắng, chống nóng. Chú ý không để chim, chuột ăn thịt ếch.

Thái Thuận

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết