Quảng Ninh mở rộng vùng nuôi tôm thương phẩm

Adv thuysan247
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm. Từ một địa phương có diện tích nuôi tôm hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, đến nay, diện tích nuôi đã tăng lên gần 7.000ha, trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở miền Bắc.

Người dân phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) thu hoạch tôm nuôi thương phẩm trong ao đầm.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm. Từ một địa phương có diện tích nuôi tôm hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, đến nay, diện tích nuôi đã tăng lên gần 7.000ha, trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở miền Bắc.

thuysan247.com

Quảng Ninh có 11 địa phương ven biển, đến nay, đã có Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Hạ Long, Quảng Yên lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ với diện tích khoảng 11.700ha. Trong số những địa phương này có Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.

Là địa phương đi đầu về nuôi tôm của tỉnh, hiện TP Móng Cái có 1.289ha ao đầm nuôi tôm thương phẩm. Những diện tích nuôi này đều được các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, như: Công nghệ nuôi tôm ba giai đoạn; công nghệ biofloc; nuôi ít thay nước; nuôi tuần hoàn nước; ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản… Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng con tôm ở TP Móng Cái đã tăng mạnh qua từng năm. Trong năm 2021, sản lượng tôm nuôi của thành phố đạt trên 5.100 tấn, trị giá đạt khoảng trên 400 tỷ đồng.

Không chỉ có ở Móng Cái, những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã chuyển dịch từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh. Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi tại Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên cho năng suất trung bình hơn 10 tấn/ha/vụ, thậm chí có những mô hình đã đạt năng suất nuôi từ 25 đến 30 tấn/ha/vụ.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hạ Long (Vân Đồn).

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, năm 2021, tổng sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 14.000 tấn, trị giá đạt khoảng 1.400 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Quảng Ninh hướng đến tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác thủy sản, nhất là tập trung nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, trong đó có con tôm thương phẩm. Hiện đơn vị đang tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm đảm bảo chất lượng gắn với các vùng nuôi, thuận lợi cho xuất khẩu, nâng cao giá trị thành phẩm và thu nhập cho người nuôi.

Để chủ động con giống cung cấp cho các vùng nuôi tôm, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao có diện tích 170ha tại huyện Đầm Hà, do Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Năm 2019, công ty đã đưa vào hoạt động khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con/năm và khu nhà sản xuất tảo, Artemia, phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế; hệ thống lọc nước tự động hiện đại nhất thế giới… vào vận hành phục vụ sản xuất giống tại Quảng Ninh, đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất con giống chất lượng cao.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh, hiện đơn vị đang tiếp tục nâng dần công suất sản xuất tôm giống và hình thành vùng nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, đáp ứng nhu cầu cung cấp giống tôm nuôi cho người nuôi tôm tại địa phương và ở các địa phương lân cận. Đặc biệt nghiên cứu, sản xuất ra giống tôm thích ứng hoàn toàn với điều kiện khí hậu của Quảng Ninh, đảm bảo con tôm sống khỏe, không bị dịch bệnh và tăng trưởng nhanh.

Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh cung cấp tôm giống cho tổ chức, hộ dân có nhu cầu.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản chủ động về nguồn giống tôm, tuy nhiên năng suất nuôi đạt chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, tiêu thụ còn yếu, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số nơi vẫn còn, cơ sở thu mua, chế biến tôm và sản phẩm nuôi biển chưa thật sự đem lại được hiệu quả.

Để khắc phục hạn chế này, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ mới.

Mục tiêu của tỉnh là hết năm 2022 sẽ hoàn thành việc sắp xếp các khu vực nuôi tôm và nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy định và di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng lõi Vịnh Hạ Long. Đồng thời siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Mạnh Trường

Nguồn: Theo https://baoquangninh.com.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết