Khơi thông điểm nghẽn, giá tôm bật tăng

Adv thuysan247
 Sau nhiều diễn đàn, hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó cho ngành tôm của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam mới đây, các điểm nghẽn chính trong chuỗi giá trị con tôm dần được khơi thông, giá tôm tại ĐBSCL liên tục tăng lên ở tất cả các size.

Nhiều rào cản dần được tháo gỡ, giá tôm đang tăng trở lại. Ảnh: Thanh Cường

Sau nhiều diễn đàn, hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó cho ngành tôm của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam mới đây, các điểm nghẽn chính trong chuỗi giá trị con tôm dần được khơi thông, giá tôm tại ĐBSCL liên tục tăng lên ở tất cả các size.

thuysan247.com

Tín hiệu khả quan, khi xu hướng tăng giá nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài cho đến hết quý I/2022, nếu như tình hình dịch COVID-19 được khống chế ngày một tốt hơn.

Thua lỗ và lo lắng

Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, trong thời gian giãn cách vừa qua cả người nuôi tôm, đại lý và doanh nghiệp chế biến đều gặp ách tắc. Nguyên nhân chính là tình trạng thiếu hụt lao động và việc vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ nghề nuôi cũng như tiêu thụ tôm thương phẩm gặp ách tắc. Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu nêu cụ thể: “Trung bình một đội kéo tôm của đại lý có ít nhất là 10 người, có khi lên đến 15 – 20 người, nếu thực hiện theo đúng các thủ tục phòng, chống dịch sẽ rất tốn kém đối với đại lý. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu hoạch cũng như giá tôm thời gian qua, nên giá tôm có lúc giảm 40 – 50% so lúc chưa có dịch; còn bình quân chung cũng đã giảm khoảng 20 – 30%. Điều này khiến người nuôi tôm hoang mang lo lắng không biết có nên thả nuôi tiếp hay không, dù thông tin từ doanh nghiệp là thị trường tiêu thụ tôm thế giới vẫn rất tốt”.

Thua lỗ và lo lắng là tâm trạng chung của nhiều hộ nuôi tôm thời gian qua dù phần lớn đều nuôi đạt năng suất và sản lượng khá cao, như thông tin từ ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, tính đến hết tháng 8, sản lượng tôm của tỉnh tăng 8,6% so cùng kỳ, khi đạt 137.000 tấn. Còn Sóc Trăng, dù vẫn còn gần 19.000 ha tôm chưa thu hoạch, nhưng sản lượng tôm đến hết tháng 8 cũng đã đạt 105.000 tấn… ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, vụ tôm năm nay khá thuận lợi, nên sản lượng tăng khá, nhưng điều lo lắng nhất là giá tôm lại giảm sâu sẽ gây khó khăn cho những vụ nuôi tiếp theo.

Giá tôm khởi sắc trở lại

Hiện tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam có dấu hiệu giảm nhiệt, nên từ đầu tuần thứ 2 của tháng 9 giá tôm bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại và gần như mỗi ngày đều thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn mức giá của ngày trước từ 2.000 – 5.000 đồng/kg tùy theo size. Đáng phấn khởi hơn là trong những ngày gần đây, tôm size nhỏ cũng có sức tiêu thụ mạnh hơn và bắt đầu tăng giá. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, hiện giá tôm tại Sóc Trăng vẫn luôn cao hơn giá tôm các tỉnh trong khu vực do phần lớn các doanh nghiệp địa phương đều chế biến hàng giá trị gia tăng.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, từ 15/8, số lao động làm việc tại Công ty từ mức 40% đã bắt đầu tăng dần lên và hiện đạt gần 80%. Còn tại Vinacleanfood, từ mức 1.200 lao động nay đã có khoảng 2.000 lao động. Tương tự như thế, các doanh nghiệp ngành tôm khác ở Sóc Trăng cũng như Bạc Liêu, Cà Mau đều có số lao động tăng lên nên nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu cũng tăng. Mặt khác, việc thu mua ngoài tỉnh hiện cũng dễ dàng, thuận tiện hơn do nhiều địa phương trong khu vực đã giảm cấp độ chống dịch từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.

Giá tôm tăng không chỉ do các điểm nghẽn giãn cách xã hội được khơi thông mà còn có nguyên nhân nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng và đặc biệt là áp lực giao hàng phục vụ dịp Noel và lễ Tết cuối năm của các doanh nghiệp. Trong khi, nguồn tôm tại ĐBSCL hiện không còn nhiều do đã vào giai đoạn cuối vụ nên theo các doanh nghiệp, tới đây sẽ xuất hiện một cuộc cạnh tranh về giá để thu gom tôm nguyên liệu, đảm bảo giao đủ và đúng thời gian theo hợp đồng đã ký kết.

Nỗi lo thiếu tôm nguyên liệu

Dù đã được dự báo từ trước, nhưng tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu trong những tháng cuối năm, thậm chí là kéo dài đến hết quý I/2022 là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân là do người nuôi tôm thua lỗ trong vụ nuôi vừa qua, cùng với diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp khiến họ không yên tâm thả nuôi tiếp. Ông Châu Công Bằng cho biết, do giá tôm giảm mạnh, kéo dài nên một số vùng nuôi người dân không dám thả tôm, dẫn đến lượng thả giống mới đến cuối tháng 8 chỉ bằng 30% so cùng kỳ.

Từ đầu tháng 9 đến nay, bên cạnh việc tăng tốc liên hệ với lao động các “vùng xanh” trở lại làm việc, các doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh Sóc Trăng còn tăng cường sang các tỉnh trong khu vực thu mua tôm nguyên liệu để đảm bảo đủ nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm cũng như có thêm dự trữ cho những tháng đầu năm 2022. Sự chuẩn bị mang tính dài hơi đối với các doanh nghiệp là không thừa khi ngay trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”, một số doanh nghiệp đã giảm một phần hàng chế biến sâu, chỉ tập trung phần lớn làm hàng thô cho vào kho đông lạnh nhằm tăng nguồn hàng dự trữ ở giai đoạn tôm tăng giá.

Làn sóng cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn mạnh mẽ và gay gắt hơn nữa và như chia sẻ từ một doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng thì đây sẽ là đợt cạnh tranh không khoan nhượng. Để một mặt vừa đảm bảo đúng hẹn hợp đồng giao cuối năm đã ký trước đó, mặt khác cũng nhằm tranh thủ thêm cơ hội còn lại của năm để bù đắp vào những tháng sụt giảm công suất và doanh số. Việc giá tôm được dự đoán chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và kéo dài ít nhất cho đến hết quý I/2022 thực sự là một thông tin tốt lành và cũng là cơ hội đáng để người nuôi tôm tranh thủ nắm bắt cơ hội thị trường từ nay đến hết quý I/2022.

>> Hiện, TTCT loại 20 con/kg được các nhà máy ở tỉnh Sóc Trăng niêm yết mức giá thấp nhất là 227.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so cách nay khoảng 1 tuần. TTCT loại 50 con/kg cũng lần đầu tiên vượt mốc 100.000 đồng/kg lên mức 103.000 đồng/kg. Điều đáng phấn khởi hơn là giá TTCT size nhỏ (55 – 100 con/kg) cũng bắt đầu tăng theo 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Xuân Trường

Nguồn: Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết