Đoàn viên thanh niên và người dân làm sạch môi trường biển tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Chương trình “Làm sạch biển” do Tạp chí Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân tối cao), Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tại 28 tỉnh, thành phố có biển trong giai đoạn 2021-2026, với mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề rác thải, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường biển.
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ tây của Biển Đông, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải quốc gia nào cũng có. Chúng ta có bờ biển dài hơn 3.260km từ bắc xuống nam, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng một triệu km2.
Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tập trung phát triển bền vững, toàn diện các ngành kinh tế, các vùng biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bền vững đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển; thúc đẩy, tạo động lực mạnh mẽ để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Đáng chú ý, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% đến 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20% đến 22% tổng GDP cả nước. Các vùng ven biển hằng năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế và khoảng 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước, cùng với nguồn thu nhập cho khoảng gần ba triệu lao động nghề biển…
Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường biển, nhất là ô nhiễm môi trường đến từ rác thải tại các vùng biển ven bờ tại Việt Nam đáng báo động. Đây là một trong những nguyên nhân đã và đang cản trở lớn đến quá trình phát triển bền vững biển Việt Nam.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho thấy: Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới), trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đang là một hiểm họa đối với môi trường biển, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và môi trường sống nói chung.
Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân, Trần Quốc Việt cho biết: “Làm sạch biển” giai đoạn 2021-2026 tại 28 tỉnh, thành phố có biển là chương trình hành động nhằm dọn sạch rác thải môi trường biển, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc; hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề rác thải, kêu gọi mọi người chung tay hành động bảo vệ môi trường biển, tạo phong cách sống xanh để hạn chế sự biến đổi khí hậu; đồng thời quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp và phát triển bền vững.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Phó Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, các hoạt động chính của Chương trình “Làm sạch biển” gồm: Thực hiện dọn sạch rác thải tại bãi biển với sự tham gia của lực lượng đang công tác tại hệ thống tòa án, tài nguyên và môi trường; lực lượng đoàn viên thanh niên, lực lượng bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng… sau đó giao cho chính quyền địa phương quản lý các bãi biển đã được dọn rác thải.
Tổ chức lắp đặt, trao tặng các thùng rác công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích khách du lịch bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Trao tặng những phần quà tới các gia đình, học sinh nghèo, cán bộ, chiến sĩ hải quân, biên phòng, các gia đình ngư dân vượt qua khó khăn, tích cực ra khơi, bám biển. Tổ chức các chương trình nghệ thuật để tiếp tục lan tỏa thông điệp “Làm sạch biển” và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của cộng đồng dân cư sống trên địa bàn…
Ngoài ra, Chương trình cũng đặt mục tiêu trao tặng ít nhất 5.000 suất học bổng cho học sinh nghèo; 5.000 suất quà tặng cho các hộ ngư dân nghèo; 10 nghìn thùng rác; 500 biển hiệu tuyên truyền; 500 loa phát thanh và 5 triệu tài liệu tuyên truyền cho các địa phương có biển. Chương trình “Làm sạch biển” với điểm khởi đầu là tỉnh Hà Tĩnh sẽ được tổ chức trong tháng 8/2022, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh (tháng 10/2022) và tỉnh Kiên Giang (tháng 12/2022).
Trung Tuyến
Nguồn: Theo báo Nhân Dân Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết